TN - Đất & Người

Nhà lao Pleiku: Trường học cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 50 năm Nhà lao Pleiku tồn tại, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thực thi tại đây một chính sách đàn áp và diệt tù man rợ. Nhưng bất chấp tất cả, lý tưởng cộng sản vẫn âm ỉ cháy rồi bùng lên để một chi bộ, một liên chi rồi một đảng bộ ra đời. Tổ chức đảng từ trong nhà lao chẳng những đủ sức tập hợp lãnh đạo phong trào đấu tranh trong nhà lao mà còn ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng bên ngoài nhà lao.
Ngay từ khi có đơn vị hành chính Pleiku, Tòa đại lý hành chính năm 1925, thực dân Pháp đã cho xây nhà lao này. Ban đầu, Nhà lao Pleiku là nơi người Pháp cho giam giữ tù thường phạm và những người dân tộc thiểu số bất hợp tác không chịu “đầu thú”. Năm 1940, khi phong trào cách mạng trong tỉnh lên cao, thực dân Pháp đã dùng nơi này để giam giữ một số tù chính trị. Do mục đích sử dụng thay đổi nên năm 1941, thực dân Pháp cho lực lượng lính khố xanh xây dựng kiên cố hơn. Dấu tích còn lại chính là hàng chữ GI-1941 ở trên tường đầu hồi phía Bắc của khu nhà giam chính. Sang thời kỳ Mỹ-Diệm, nhà lao mở rộng thêm và đổi tên thành Trung tâm Cải huấn Pleiku nhưng bản chất vẫn là một nhà giam không có gì thay đổi.
Ông Trần Chín xúc động khi nhắc lại những tháng năm bị tù đày. Ảnh: Hà Duy
Ông Trần Chín xúc động khi nhắc lại những tháng năm bị tù đày. Ảnh: Hà Duy
Công cụ truy bức tinh thần
Sau khi được công nhận là di tích lịch sử, Nhà lao Pleiku đã được trùng tu với vẻ ngoài… thân thiện hơn, bớt lạnh lẽo, u ám hơn. Tuy vậy, trong những căn phòng nằm đằng sau cánh cổng màu gạch chỉ cách Bưu điện trung tâm thành phố Pleiku chừng 300 mét kia lại là một trong hệ thống những công cụ chiến tranh của thực dân Pháp và chế độ Mỹ-ngụy. Nhà lao là một quần thể kiến trúc gồm tường thành với chiều cao 3 mét bao bọc, bên ngoài có nhiều lớp rào bằng thép gai; góc Tây Bắc và Tây Nam có 2 bốt gác, phía Đông đặt lô cốt bảo vệ. Dãy nhà giam chính gồm 5 phòng, riêng phòng số 5 được chia thành 8 xà lim, mỗi xà lim có chiều rộng 1,6 mét và 2 mét chiều dài. Trong số 8 xà lim này có 2 “xà lim chẹt” (gọi là buồng chẹt), chỉ rộng khoảng nửa mét, là nơi giam cầm những người cộng sản mà chúng cho là nguy hiểm.
Ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai, người từng bị giam nơi đây-vẫn không nén được xúc động khi nhắc lại những ngày bị giam cầm, tra tấn: “Buồng chẹt dành để giam những người tù đấu tranh. Mỗi buồng có tấm ván gỗ chia thành 2 tầng, người nào bị nhốt ở dưới thì không biết đến ngày hay đêm, tối om và thiếu không khí để thở, vì vậy tù nhân thường hay bị ngất xỉu. Thân thể người tù thì giam ở trong, nhưng chân lại bị còng thò ra ngoài cửa, mỗi ngày chúng đều đặn dùng gậy gỗ đánh vào gan bàn chân”. Ông kể thêm, trước kia nhà lao có một cái hầm tra tấn, bây giờ dấu tích không còn. Ở đó, chúng treo ngược người tù lên, bên dưới đốt lửa và cắm chông, ai rơi xuống là mất mạng. Chúng còn bỏ người tù vào thùng phuy, rồi dùng dùi đánh vào thành thùng đến chảy máu tai. Hay đè ngửa người tù ra, dùng nước xà phòng đổ vào miệng hoặc dùng điện chích vào người…
Trong 50 năm Nhà lao Pleiku tồn tại, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thực thi tại đây một chính sách đàn áp và diệt tù man rợ. Nhưng bất chấp tất cả, lý tưởng cộng sản vẫn âm ỉ cháy rồi bùng lên để một chi bộ, một liên chi rồi một đảng bộ ra đời. Tổ chức đảng từ trong nhà lao chẳng những đủ sức tập hợp lãnh đạo phong trào đấu tranh trong nhà lao mà còn ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng bên ngoài.
Vào lúc 17 giờ ngày 15-3-1975, tù chính trị nhà lao Pleiku đã phá ra ngoài và tổ chức một bộ phận ra vùng ven, đón một cánh quân ta từ ngã ba Trà Bá vào cùng quân dân địa phương giải phóng thị xã Pleiku...
Dâng hương tưởng niệm tại Nhà lao. Ảnh: Hà Duy
Dâng hương tưởng niệm tại Nhà lao. Ảnh: Hà Duy
Nơi ươm mầm xanh
Để góp phần giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 321/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Nhà lao Pleiku. Nơi đây đã thành một điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Chị Đặng Thị Thúy Hằng-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin Pleiku cho biết: Sau khi nhà lao được trùng tu, nhân dân tới tham quan di tích lịch sử này ngày một nhiều. Vào các ngày lễ trong năm, các trường học trên địa bàn TP. Pleiku đều tổ chức cho các em đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử địa phương, qua đó giáo dục cho các em truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung bất khuất của cha anh đi trước.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (TP. Pleiku) là một trong những trường thường xuyên tổ chức tham quan, sinh hoạt, kết nạp Đoàn… cho học sinh ngay tại nhà lao. Nói về điều này, cô Nguyễn Thị Mai Hạnh-Phó Bí thư Đoàn trường giải thích: “Các hoạt động trên không ngoài mục đích giáo dục cho các em luôn nhớ đến công ơn của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, các em sẽ có cơ hội biết thêm những kiến thức về lịch sử địa phương ngoài chương trình học trên lớp”.
Trao đổi với chúng tôi trong chuyến tham quan nhân kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), em Nguyễn Kiều Trinh (Lớp trưởng lớp 99 trường THCS Nguyễn Du) không giấu nổi xúc động: “Thật khủng khiếp khi em được chứng kiến các công cụ tra tấn quá dã man, tàn bạo, không còn tính người mà bọn thực dân, đế quốc dành cho các chiến sĩ cách mạng. Có được cuộc sống hôm nay, em thực sự biết ơn sự hy sinh anh dũng của những người đã ngã xuống. Em rất tự hào khi là một trong những đoàn viên được kết nạp tại đây, em coi đó là một vinh dự lớn để từ đó mình phải biết sống sao cho xứng đáng hơn, có ích hơn”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm