(GLO)- Chúng tôi vừa có chuyến đi thực tế tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) để tìm hiểu một số di tích trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và Anh hùng liệt sĩ Đỗ Trạc-người đảng viên cộng sản đầu tiên anh dũng hy sinh trên chính quê hương mình để mảnh đất An Khê nở hoa.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng Đỗ Trạc tuy ngắn ngủi (1945-1947) nhưng đã để lại những dấu son trong lịch sử giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 ở An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung. Đỗ Trạc sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, huyện An Khê (nay là thị xã An Khê). Sau khi học hết bậc tiểu học ở Kon Tum, ông ra Huế học xong bậc trung học. Thời bấy giờ ở An Khê, số thanh niên có bằng Thành chung (Diplôme) như ông không nhiều và được xem là bậc trí thức ở địa phương. Năm 1941, Đỗ Trạc đã gác bút nghiên trở về quê An Khê tự lao động kiếm sống. Ông luôn đau đáu một điều là phải tìm cơ hội để dấn thân giúp đồng bào, quê hương thoát khỏi ách áp bức, kìm kẹp của ngoại bang và bè lũ tay sai. Ông vừa kinh doanh, vừa tìm cơ hội giao du với các tầng lớp thanh niên, giáo chức, viên chức tiến bộ ở địa phương, thường trao đổi, tranh biện với họ về tình hình đất nước, về lý tưởng của thanh niên trong thời buổi loạn lạc, nhân tâm lý tán và hướng dẫn họ đến với con đường chính nghĩa, vì Nhân dân để đấu tranh.
Sau ngày phát xít Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), đoàn tù chính trị từ Căng an trí Đak Tô, Ngục Kon Tum được trả tự do về ngang qua Pleiku và An Khê, trong đó có những đảng viên cộng sản kiên trung như: Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Côn… Khi đoàn tù chính trị đến An Khê, Đỗ Trạc đã cùng với một số thanh niên tiến bộ vận động và tổ chức Nhân dân địa phương đón tiếp, giúp đỡ họ một cách công khai. Ở lần tiếp xúc này, Đỗ Trạc và nhiều thanh niên đã được các đồng chí trong đoàn tù chính trị cho biết tình hình chung của đất nước và gợi mở một số hướng hoạt động của thanh niên địa phương nhằm tạo ra phong trào cách mạng rộng khắp. Từ đó, Đỗ Trạc cùng với Trần Thông, Nguyễn Diễm, Lý Bính đi đến thống nhất lập ra tổ chức Đoàn Thanh niên Chấn Hưng do Đỗ Trạc làm thủ lĩnh với khoảng 30 thanh niên tham gia dưới danh nghĩa là tập hợp thanh niên sinh hoạt thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe và sinh hoạt xã hội, giúp đỡ những gia đình gặp hoạn nạn, người gặp khó khăn ở địa phương.
Tượng đài Đỗ Trạc trước trụ sở UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: K.N.B |
Giữa lúc cao trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước đang diễn ra do Việt Minh phát động, Đỗ Trạc và Trần Thông ở An Khê đã chủ động đến Quảng Ngãi. Hai ông được tổ chức Mặt trận Việt Minh nơi đây phổ biến về đường lối giải phóng dân tộc của Đảng và chủ trương khởi nghĩa trên toàn quốc. Trở về An Khê mang theo tinh thần và kế hoạch hành động của Việt Minh ở Quảng Ngãi, Đỗ Trạc cùng với Đoàn Thanh niên Chấn Hưng chuẩn bị lực lượng và điều kiện chờ thời cơ sẽ vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 20-8-1945, nhận thấy thời cơ đã đến, Đoàn Thanh niên ở An Khê dưới sự chỉ huy của nhóm thủ lĩnh Đỗ Trạc đã vận động quần chúng nhân dân nổi dậy gây áp lực với lính bảo an và viên chức chính quyền huyện lỵ, yêu cầu chúng hạ vũ khí và bàn giao chính quyền thân Nhật cho Việt Minh. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, toàn bộ chính quyền tay sai đã tan rã trước sự vùng lên của Nhân dân An Khê mà nòng cốt là Đoàn Thanh niên Chấn Hưng. Khi đã làm chủ được tình hình, nhóm chỉ huy khởi nghĩa đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện An Khê và kêu gọi toàn dân đoàn kết, ủng hộ Mặt trận Việt Minh và UBND cách mạng lâm thời. Sau khởi nghĩa ở An Khê thành công, Đỗ Trạc và nhóm thủ lĩnh thanh niên củng cố lực lượng tiến về thị xã Pleiku, thị xã Kon Tum phối hợp với lực lượng tiến bộ tại chỗ để giành chính quyền về tay Nhân dân, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời cấp tỉnh.
Trong lúc chúng ta đang củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ thì giặc Pháp lại xua quân xâm chiếm Tây Nguyên nói riêng và nước ta nói chung một lần nữa. Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng cả nước đoàn kết nhất tề đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm đầy gian khổ, hy sinh. Bấy giờ, với sự chi viện của Xứ ủy Trung Kỳ, các tổ chức Đảng Cộng sản ở Pleiku, An Khê và Đảng bộ Tây Sơn lần lượt ra đời, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của Nhân dân tỉnh Gia Lai. Từ một thanh niên yêu nước, Đỗ Trạc đã được kết nạp vào tổ chức Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ đầu tiên ở An Khê (tháng 11-1945). Từ đây, đồng chí Đỗ Trạc với vai trò lãnh đạo toàn diện cuộc kháng chiến của Nhân dân An Khê trong muôn vàn khó khăn, đã sát cánh cùng đồng đội và đồng bào chiến đấu với kẻ thù. Khi giặc Pháp tái chiếm An Khê (tháng 7-1946), đồng chí Đỗ Trạc đã chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với quân chủ lực của ta chống trả quyết liệt, gây nhiều tổn thất cho quân địch. Trong lúc một bộ phận Nhân dân và bộ máy chính quyền của ta tạm rút về Bình Định để bảo toàn lực lượng, đồng chí Đỗ Trạc vẫn nằm lại bám sát trận địa và buôn làng, vận động Nhân dân ủng hộ kháng chiến, đánh đuổi kẻ thù chung; đồng thời tích cực xây dựng chiến khu Xóm Ké ở Song An làm bàn đạp để tái chiếm và làm chủ mảnh đất An Khê thân yêu.
Trong buổi đầu cuộc kháng chiến của Nhân dân An Khê có nhiều ưu thế với sự quyết tâm giành lại từng tấc đất với kẻ thù thì tháng 1-1947, trên đường công tác cơ sở ở làng Cửu Đạo (xã Xuân An, An Khê), đồng chí Đỗ Trạc đã bị rơi vào tay địch. Giặc biết Đỗ Trạc là thành phần quan trọng trong tổ chức kháng chiến chống Pháp ở An Khê nên đã tìm cách dụ dỗ, lung lạc ý chí nhằm truy tìm đầu não của Việt Minh ở địa phương, nhưng chúng đành bất lực trước sự kiên cường của người cộng sản. Chúng đem nhốt đồng chí vào nhà lao và tra tấn điên cuồng, dã man. Nhưng tất cả đều vô dụng trước ý chí sắt đá của người con An Khê trung dũng. Đồng chí Đỗ Trạc chấp nhận hy sinh thân mình để bảo vệ Đảng, giữ tấm lòng son với cách mạng và Nhân dân. Ngày 7-3-1947, địch đã đưa đồng chí Đỗ Trạc ra xử bắn tại sân bóng An Khê (nay là hoa viên Quang Trung, thị xã An Khê). Trước họng súng kẻ thù và trước sự chứng kiến của đông đảo người dân địa phương, đồng chí Đỗ Trạc đã hiên ngang hô lớn trước loạt súng nổ: “Đả đảo thực dân Pháp! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Nhận xét về đồng chí Đỗ Trạc, ông Đỗ Hằng-nguyên là Bí thư huyện An Khê giai đoạn 1951-1954 đã viết: “Anh hùng Đỗ Trạc có một đời sống quá ngắn ngủi và thời gian hoạt động cách mạng của anh cũng chưa tròn 2 năm, nhưng nổi lên những nét đặc thù, thể hiện tấm gương thật cao đẹp của một đảng viên cộng sản chân chính! Ở anh, Nhân dân, cán bộ, đảng viên An Khê đánh giá là người có công khai sáng mở đường đầu tiên cho phong trào cách mạng An Khê”.
Để đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân thị xã An Khê ngày nay, thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ công trạng của người chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường; đồng thời nêu cao tấm gương hy sinh cao cả của Anh hùng Đỗ Trạc cho thế hệ tương lai, thiết nghĩ, chúng ta cần có kế hoạch xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Đỗ Trạc trên chính quê hương Cửu An, An Khê. Chúng tôi được biết, Đảng bộ và chính quyền thị xã An Khê đã từng đề cập và có phương án về việc xây dựng nhà lưu niệm này nhưng chưa đưa vào kế hoạch cụ thể. Để hiện thực hóa việc xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Đỗ Trạc, chúng tôi đề nghị lãnh đạo thị xã An Khê cần tiến hành lập đề án, có nghị quyết và chương trình hành động cụ thể, nhất là chọn địa điểm, huy động nguồn vốn, chọn thiết kế hình mẫu công trình để lấy ý kiến Nhân dân.
BÙI QUANG VINH
Bài viết có sử dụng một số tư liệu của ông Đỗ Hằng để lại.