Pháp luật

Tin tức

Nhà mạng "moi tiền" bằng cách nào từ con bạc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dư luận xã hội đang rất quan tâm tới việc xử lý trách nhiệm đối với những nhà mạng đã thu lợi hàng ngàn tỷ đồng liên quan tới đường dây đánh bạc trực tuyến này.
 
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc trực truyến hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Vào cuối tuần này, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong “đại án” đánh bạc trực tuyến hàng ngàn tỷ đồng. Cùng với bản án nghiêm minh cho các bị cáo thì dư luận xã hội đang rất quan tâm tới việc xử lý trách nhiệm đối với những nhà mạng đã thu lợi hàng ngàn tỷ đồng liên quan tới đường dây đánh bạc trực tuyến này.
Theo cáo trạng, trong vụ án này, “ông trùm” Phan Sào Nam (cựu Giám đốc Công ty VTC Online) đã “mở đường” cho hành vi phạm tội của mình là thực hiện việc ký Hợp đồng số 147/2015 ngày 11-6-2015 với Công ty cổ phần Truyền thông VMG (Công ty VMG) cung cấp dịch vụ tin nhắn thương hiệu “Rikvip” với các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone.
Cùng với đó, Công ty “bình phong” CNC của bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CNC) cũng thực hiện kết nối khâu trung gian là Công ty Home Direct thuê máy chủ tại Công ty Viettel CHT.
Tiếp đó, Phan Sào Nam đã liên hệ mua mã thẻ điện tử (gồm thẻ viễn thông Viettel, VinaPhone, MobiFone và các loại mã thẻ game) của 12 công ty như: Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Công ty TNHH MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT, Trung tâm VNPT Hà Nội, Công ty cổ phần Lô Gích, Công ty cổ phần Công nghệ MobiFone toàn cầu, Công ty cổ phần Viễn thông - Tin học bưu điện, Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số cùng một số doanh nghiệp viễn thông khác... để phục vụ việc tổ chức đánh bạc trực tuyến qua hệ thống Rikvip/Tip.Club.
Cáo trạng cũng làm rõ, từ năm 2016 đến tháng 8-2017, Công ty GTS của bị cáo Lê Thị Lan Thanh (chủ của 5 công ty viễn thông) bị truy tố về tội danh “Tổ chức đánh bạc” và “Mua bán trái phép hóa đơn”  đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone để các con bạc có “phương thức” thanh toán tiền và chơi bạc trực tuyến.
Bằng các hình thức hợp tác giữa Công ty CNC, VTC Online với các nhà mạng và một số doanh nghiệp trung gian mà tổng số tiền các nhà mạng thu được từ các khách hàng đánh bạc trực tuyến sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán Công ty GTS của Lê Thị Lan Thanh là hơn 7.128 tỷ đồng.
Trong đó, 3 nhà mạng được phân chia lợi nhuận là: Viettel doanh thu từ khách hàng là 5.985 tỷ đồng, trong đó, hưởng hơn 883 tỷ đồng; MobiFone có doanh thu từ khách hàng là hơn 859 tỷ đồng, hưởng hơn 124 tỷ đồng; VinaPhone có doanh thu từ khách hàng là hơn 283 tỷ đồng, nhà mạng hưởng hơn 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tổng số tiền mà các nhà mạng này được hưởng tính từ vụ đánh bạc này cụ thể là hơn 1.232 tỷ đồng (Viettel là 913 tỷ đồng; VinaPhone là gần 148 tỷ đồng; MobiFone là hơn 171 tỷ đồng).
Theo luật sư Trần Hồng Phúc, người đánh bạc sử dụng thẻ cào nhà mạng để làm phương tiện mua Rik và có thể đổi ra thành tiền mặt để chơi bạc, nếu như không có vai trò của nhà mạng trong việc “tiếp tay” cho các con bạc bằng cách nạp thẻ thì không bao giờ cổng thanh toán Rik có thể chạy được. Cái sai của nhà mạng là đã biến thẻ cào thành đồng tiền để thanh toán cho dịch vụ khác.
Trước đó, trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa xét xử “đại án” đánh bạc này, luật sư Lê Văn Thiệp cũng đã đề nghị tòa triệu tập đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ việc cấp phép thẻ cào và đề nghị 3 nhà mạng là Viettel, MobiFone, VinaPhone phải có mặt thường xuyên tại tòa.
Trước việc thu lợi trên của các nhà mạng, cơ quan tố tụng đã xác định đây là số tiền thu lời bất chính, nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm khoản 1, Điều 10 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, nên cần áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 để truy nộp ngân sách nhà nước. Đối với cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có sai phạm cho phép sử dụng thẻ viễn thông vào dịch vụ game sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và xử lý trách nhiệm trong giai đoạn 2 của vụ án.
Cũng theo cơ quan tố tụng, tổng số tiền phải truy thu của 3 nhà mạng là hơn 372 tỷ đồng. Trong đó, Viettel bị truy thu hơn 274 tỷ đồng; VinaPhone bị truy thu hơn 60 tỷ đồng; MobiFone bị truy thu hơn 38 tỷ đồng.
Trong diễn biến mới nhất, cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều xác nhận đã thông báo tới các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online về việc tạm dừng hình thức thanh toán bằng thẻ cào mà không đưa ra lý do, mà chỉ cho biết: “đợi cơ quan quản lý cho phép mới tiếp tục triển khai”.
Đỗ Trung-Minh Khang (SGGP)

Có thể bạn quan tâm