Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Nhà máy điện hạt nhân trên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhà máy điện hạt nhân nổi mang tên Viện sĩ Lomonosov của Liên bang Nga đang di chuyển trên tuyến đường biển phía Bắc.
Nhà máy nổi này có thể được lai dắt theo đường thủy tới mọi nơi trên Trái đất. Vào tháng Sáu vừa rồi, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom được cấp giấy phép khai thác nhà máy điện hạt nhân nổi đến năm 2029. Một số người bảo vệ môi trường gọi nó là Chernobyl nổi.
Theo lịch trình, nhà máy Lomonosov thả neo ở cảng Murmansk, sau đó được lai dắt theo đường biển dọc theo biên giới phía Bắc nước Nga để đến tháng Chín năm nay cập cảng tại thị trấn Pevek, khu tự trị Chukotka. Tại đây, từ tháng 12, nhà máy bắt đầu cung cấp điện năng cho các khu dân cư, các công xưởng trong khu vực và các giàn khoan dầu khí trên biển. “Nhà máy Lomonosov thay thế cho nhà máy nhiệt điện và nhà máy điện hạt nhân cũ ở Bilibino. Nó có khả năng cung cấp điện năng cho hơn 50.000 người và vì thế làm giảm vết carbon (tổng khí thải được tạo ra bởi một cá nhân, sự kiện, tổ chức hay quá trình sản xuất) tại vùng Bắc cực hàng chục ngàn tấn CO2 mỗi năm” - đại diện Tập đoàn Rosatom cho biết.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Lomonosov được xây dựng tại xưởng đóng tàu Saint Petersburg từ năm 2009. Tại cảng Murmansk, cả hai lò phản ứng hạt nhân với công suất 35 Megawatt của nó đều được nạp nhiên liệu.
Nhà máy nổi Lomonosov có thể cung cấp điện năng đủ cho một thành phố với dân số 350.000 người hoạt động suốt 38 năm. Tuy nhiên chỉ có các khu vực khó khăn, nơi khan hiếm nước ngọt, mới cần đến điện năng từ nhà máy này. Có thể lấy nước ngọt bằng phương pháp khử mặn nước biển, tuy nhiên để thực hiện điều đó phải cần khá nhiều năng lượng.
Nước Nga dự định xây dựng thêm 7 nhà máy hạt nhân nổi như nhà máy Lomonosov. Trong vòng 15 - 20 năm tới, sẽ xuất hiện các nhà máy hạt nhân nổi nhỏ hơn, bơi trên các con sông Syberia. Chúng sẽ cung cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa châu Á và trở thành cơ hội phát triển cho Syberia.
Theo các chuyên gia, nếu xảy ra sự cố chìm nhà máy Lomonosov thì cũng sẽ không có thảm họa sinh thái, bởi các lò phản ứng dạng KLT-40 được bao bọc trong vỏ thiết giáp rất chắc chắn và an toàn.
Ý tưởng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi không phải là mới. Một nhà máy tương tự như vậy đã từng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu quân đội Mỹ trong những năm 1968 – 1975, cung cấp điện cho khu vực Kênh đào Panama.
GD&TĐ (Theo Tuấn Sơn/Nauka)

Có thể bạn quan tâm