Điểm đến Lô Lô Chải
Lô Lô Chải là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Lô Lô đen và Mông tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Nơi đây lưu giữ được các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, đặc biệt là các kiến trúc nhà trình tường với mái ngói âm dương ấn tượng.
Chị Đào Ngọc Liên, một phụ nữ Hà Nội lên Lô Lô Chải làm du lịch cộng đồng cho biết, khi chị mới lên Hà Giang, nhiều nhà trình tường bị xuống cấp bị người dân đập đi để làm nhà hiện đại. “Mình thấy tiếc nên đã đầu tư nâng cấp 3 nhà trình tường có tuổi đời lâu năm để làm homestay”, chị Liên cho hay.
Du khách thích thú khi chụp ảnh với nhà trình tường tại Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn). Ảnh: Nguyễn Việt Dũng |
Tại Lô Lô Chải hàng chục nhà trình tường đã được chỉnh trang, khôi phục lại. “Nhà nào làm homestay sẽ được chính quyền hỗ trợ thêm 60 triệu đồng làm nhà vệ sinh, hướng dẫn làm quảng cáo nên bà con khá hăng hái tham gia du lịch cộng đồng”, chị Liên cho hay. Tại huyện Mèo Vạc, UBND huyện ban hành 3 mẫu nhà ở theo kiến trúc nhà truyền thống dân tộc Mông áp dụng rộng rãi trên địa bàn; ban hành Chỉ thị đối với công tác tuyên truyền bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; thành lập Tổ chỉ đạo khôi phục, cải tạo, giữ gìn và bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông thuộc các xã Pả Vi, Pải Lủng, Sủng Trà.
Trao đổi với PV Tiền Phong, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, Hà Giang đã và đang triển khai hiệu quả chương trình phát triển du lịch gắn với bảo vệ và phát huy giá trị của văn hóa bản địa. “Tỉnh Hà Giang đặc biệt coi trọng giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định.
Kết quả, từ năm 2019 đến nay, lãnh đạo huyện đã vận động nhân dân xếp tường rào đá được 90 nhà, chỉ riêng năm 2023 đôn đốc nhân dân xã Pải Lủng xếp tường rào đá được 14 nhà. Hiện nay, mỗi khi du khách đến tham quan huyện Mèo Vạc đều rất thích thú chụp ảnh tường rào đá với ngôi nhà trình tường tại thôn Pả Vi Thượng và Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi...
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết: Từ xa xưa, do môi trường sống trên các sườn núi cao, khí hậu khắc nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của người Mông. Ngôi nhà trình tường thường được làm bằng đất, lợp ngói âm dương, với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát trong mùa hè. Để tạo nên những bức trình tường độc đáo, người Mông thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá, cỏ rác. Theo cách làm truyền thống, tất cả các khâu để hoàn thiện ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay.
Phát triển văn hóa bản địa
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 35 làng văn hoá du lịch cộng đồng, trong đó Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là điểm du lịch cộng đồng được nhận giải thưởng của ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Thôn Nặm Đăm có 52 hộ sinh sống, 100% là người dân tộc Dao. Người dân trong thôn vẫn gìn giữ kiến trúc nhà trình tường và các nét văn hóa truyền thống.
Tin vui cho Hà Giang khi chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh đón 3,2 triệu lượt khách và quý I.2024 đạt trên 850 nghìn lượt khách. Đặc biệt, năm 2023, du lịch Hà Giang vinh dự được nhiều tổ chức, hãng truyền thông uy tín xếp hạng như: Hà Giang được công nhận điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn; Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa TT&DL Tạ Quang Đông tin tưởng với những quyết sách và sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, du lịch Hà Giang trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc và sớm đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thành công khu du lịch trọng điểm quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn vào năm 2030, là điểm đến ấn tượng của du khách trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý tại Hội thảo “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trong liên kết vùng” tổ chức ngày 30/3 nhấn mạnh: Để xây dựng được thương hiệu du lịch đã khó, việc giữ vững được thương hiệu càng khó hơn.