Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Nhạc sĩ Bảo Chấn: Nghe nhạc của nhạc sĩ trẻ ngày nay hoảng lắm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khá nhiều năm lặng im, gần như không xuất hiện ở bất kỳ đâu sau sự vụ “Tình thôi xót xa”, nhạc sĩ Bảo Chấn bất ngờ trở lại chia sẻ những hồi ức về Sài Gòn xưa, một hình ảnh đối lập hoàn toàn với showbiz ngày nay mà ông bảo “nghe hoảng hốt lắm”.
Phóng viên: Được biết tối 19-12 ông sẽ chỉ đạo đêm nhạc "Góc ký ức", một chương trình nặng tính hoài niệm. Lâu lắm mới thấy ông xuất hiện. Ông có thể chia sẻ về một vài kỷ niệm âm nhạc nào đó trong "Góc ký ức" của riêng mình khiến ông nhớ đời?
- Nhạc sĩ Bảo Chấn: Hồi viết bài hát đầu tiên, tôi xấu hổ lắm, chẳng biết "khoe" với ai, bèn đem cho ba tôi xem, ổng khen. Sau đó, vẫn không tự tin nên tôi mang tới cho thầy tôi, nhạc sĩ Thẩm Oánh , nhờ thầy xem giùm. Ổng bảo: "Con viết giai điệu thì được nhưng sao con đề là bài tango, mà thầy lại thấy nó như bolero vậy?". Nghe thế, thấy nhục luôn (cười).
Nhạc sĩ Bảo Chấn đã đi qua sóng gió
Nhạc sĩ Bảo Chấn đã đi qua sóng gió "Tình thôi xót xa" hồi năm 2004
Hồi đó mới mười bảy, mười tám tuổi, vừa ra trường, kỹ thuật giỏi lắm nên rất tự tin. Có lần đàn cho ca sĩ Thái Thanh hát bài " Bà mẹ Gio Linh " đến đoạn ca khúc bi thương, mình "vung" tay đàn "dệt lụa", piano "chạy" ầm ầm thấy ghê lắm. Đàn một hồi quay ra thấy cô Thái Thanh đứng yên, gác micro lên, không hát nữa. Rồi cổ bảo: "Cháu đàn hay nhỉ. Hay là cháu đàn luôn đi, để cô đi xuống cô nghe". Thế là mình không biết có cái lỗ nào để chui xuống nữa (cười). Các thế hệ xưa, tôi nghĩ họ thành công được vì hồi đó biết nhục.
Theo ông, sự khác biệt lớn giữa các nhạc sĩ xưa và nay là gì?
- Ngày xưa, các nhạc sĩ hầu như đều là những tay đàn cự phách. Khi mình là nhạc công, mình học được về nghề rất nhiều. Ngày xưa, ban nhạc hay nghĩa là dù chỉ chơi ở các phòng trà nhưng mỗi người đều là một tài năng, siêu việt trong lĩnh vực của họ. Nhạc công có thể không ký xướng âm tốt nhưng đã cầm đàn lên thì mỗi người đều toả sáng.
Ban nhạc hồi đó chơi không có bản phối như bây giờ nên quan trọng là phải biết "nghe" nhau, hoâa vào nhau, "nghe" được cách mà người nhạc công leader dẫn dắt mọi người. Độ sáng tạo, tính ứng tác của từng thành viên trong ban nhạc đều phải rất cao. Nghe ca sĩ hát phải hiểu không gian của họ, biết chừa lối cho họ đi, chỗ nào họ hát mà bị "lọt" thì phải chêm vào để "cứu" ca sĩ. Phòng trà nhỏ thôi nhưng khách nghe là người trả tiền cho nên theo một nghĩa nào đấy, ca nhạc phòng trà hồi đó cũng như là kiểu "lên sóng trực tiếp", cấm có được sai. Môi trường khắc nghiệt bắt buộc người ta phải giỏi.
Nhạc sĩ Bảo Chấn kể lại những ấn tượng ký ức âm nhạc Sài Gòn xưa
Nhạc sĩ Bảo Chấn kể lại những ấn tượng ký ức âm nhạc Sài Gòn xưa
Tối nào cũng ngồi vào piano vừa đệm vừa "quan sát" chiêm nghiệm các bài của các cây "đại thụ" đi trước, học cách xử lý từng tác phẩm. Cảm thức âm nhạc được nuôi dưỡng hàng đêm, cộng với kiến thức âm nhạc cứ bồi đắp, dầy dặn dần lên, nên khi mình viết ca khúc mình sẽ không còn phạm lỗi.
Chứ nghe các nhạc sĩ trẻ bây giờ sáng tác tôi thấy… hoảng hốt lắm. Nghe âm nhạc của các bạn ấy, tôi muốn nghỉ luôn, không làm nhạc nữa. Sai những lỗi nặng, sao chép chỗ nọ chỗ kia, vi phạm đạo đức là chuyện to lớn đáng lên án, các bạn trẻ còn sai cả những lỗi sơ đẳng như nhầm lẫn ngôn ngữ, dấu hỏi viết thành dấu ngã.
Ý ông là trình độ của những người viết nhạc bây giờ có vấn đề?
- Về kỹ thuật bây giờ các em rất giỏi nhưng hồn vía thì không còn. Nhạc trẻ hiện đại nghe long lanh, lóng lánh nhưng thật ra cái cốt lõi là bỏ tiền ra mua beat về dùng, rồi đắp thêm da thêm thịt, mặc thêm quần thêm áo, nghe na ná nhau. Trước đây, đồng tiền không làm cho người ta sùi bọt mép ra như thời nay, nên âm nhạc nghệ thuật dễ thương lắm. Còn bây giờ, rất nhiều thứ trong xã hội bị quy định bởi đồng tiền, phụ thuộc vào đồng tiền, đặc biệt là hạnh phúc của con người thì bị đồng tiền chi phối ghê quá. Trong bối cảnh đó, khó có thể đòi hỏi nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ sống với tâm thế xưa.
Ông không còn sáng tác tiếp tục nữa sao?
- Thỉnh thoảng tôi có viết thêm nhưng ít lắm, và cũng không chuyên tâm. Tôi không theo kịp sự phát triển của thời đại nữa rồi chăng?
Người trong giới nói nhạc sĩ Bảo Chấn phối ca khúc thì "đỉnh", nhưng tại sao lâu lắm rồi không thấy ông xuất hiện?
 
Câu chuyện ký ức âm nhạc sống động của nhạc sĩ Bảo Chấn. Ngồi bên cạnh nhạc sĩ Bảo Chấn là nhạc sĩ Thế Vinh, một người học trò và là đồng nghiệp của ông
- Từ hồi em tôi (nhạc sĩ Bảo Phúc) mất đi, tôi không còn hứng thú làm việc nữa. Cảm xúc đối với cuộc sống không còn như xưa. Tôi muốn bỏ nghề. Sau cái chết của em trai, dường như cảm xúc của tôi đã đông cứng lại. Chứ ngày xưa mọi cảm xúc đều nóng bỏng dạt dào, có thể ngồi vào sáng tác bất cứ lúc nào.
Đêm nhạc "Góc ký ức" sắp tới với chủ ý làm sống lại một không gian âm nhạc xưa đầy hoài niệm nên tôi nhận lời tham gia phối khí cho chương trình này. Trong chương trình có mời hai ngôi sao của những thập niên cuối thế kỷ trước là Phương Dung và Họa Mi. Còn các ca sĩ trẻ, chúng tôi mời Võ Hạ Trâm, Trung Dũng, Trọng Bắc…
Chương trình sẽ giới thiệu tới công chúng các tuyệt phẩm qua các giai đoạn của Sài Gòn xưa và nay: "Mộng dưới hoa", "Bài Tango cho em", "Bao giờ tôi biết tương tư", "Sương lạnh chiều đông", "Về đâu mái tóc người thương", "Ghen", "Khúc thụy du", "Anh còn nợ em" và đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên của nhạc sĩ Thế Vinh với "Phòng trà vắng khách" và các nhạc phẩm Jazz cho đêm đông không lạnh của Sài Gòn do anh sáng tác và trình diễn cùng ban nhạc mười hai cây kèn hàng đầu Sài Gòn. Có thể không gian bây giờ không được như xưa nữa nhưng chúng tôi vẫn mong khán thính giả có được chút gì trong "Góc ký ức" thành phố, để rồi sau này nó trở thành "gia tài" riêng của mỗi người.
Hòa Bình (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm