(GLO)- Buổi chiều, theo thói quen tôi đi bộ trong công viên, chợt bắt gặp một trượng phu “vai năm tấc rộng, thân mười thước ngang” đang vin cành phượng chi chít hoa vàng. Đi ngang qua, tự dưng bật ra câu hát: “Bông hoa này là của chung”. Có ai nhớ bài hát này không nhỉ? Bài “Ra vườn hoa” của cố nhạc sĩ Văn Tấn đấy! Cả bài “chiếc khăn tay mẹ may cho em, trên cành hoa mẹ thêu con chim…” cũng của anh ấy nữa nhé. Sinh thời, tôi chưa bao giờ hỏi anh Văn Tấn những bài hát này ra đời vào năm nào. Nhưng từ lúc tôi còn bé, cho đến nay đã lên chức bà nội, bà ngoại rồi vẫn thấy trẻ con hát những bài ấy. Tính luôn cả ca khúc “Mùa xuân em nhớ Tây Nguyên” viết chung với cố nhạc sĩ Trần Quang Huy thì nhạc sĩ Văn Tấn có 3 bài hát “để đời”, mà có phải nhạc sĩ nào cũng có được diễm phúc ấy đâu.
Hay như gần đây nhiều người mới biết rằng tác giả của bài hát “Khúc ca ban chiều” là Nguyễn Đức Hậu, chứ không phải là bài hát Nga như hồi xửa xưa ấy mọi người lầm tưởng. Bài hát có giai điệu đẹp, lời ca thật trữ tình: “Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu, lấp ló đầu hiên ngôi sao ban chiều. Gợi lòng ta thương nhớ tới người ta yêu, ở phương trời nào…”. Bài hát này là niềm say mê của hàng ngàn người yêu nhạc ở Hà Nội thời chống Mỹ . Chỉ cần có được một bài hát “để đời” với sức lan tỏa sâu rộng như thế, được đông đảo người nghe yêu thích như thế, cũng đã đủ để có quyền tự hào coi mình là nhạc sĩ một cách rất đáng trân trọng rồi. Chỉ tội nghiệp cho tác giả, bây giờ mới được “trả lại tên cho… ông”.
Nhạc sĩ Văn Tấn đã đi về cõi vĩnh hằng hàng chục năm rồi, còn nhạc sĩ Nguyễn Đức Hậu cũng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thế mà tác phẩm của các ông vẫn có sức sống trong lòng bạn yêu nhạc. Xa hơn nữa, những “Tình ca Tây Bắc”, “Người Hà Nội…” vẫn đứng trên đỉnh cao của kho tàng ca khúc hay Việt Nam. Có nghĩa là âm nhạc, nghệ thuật đích thực luôn song hành cùng con người và công của các nhạc sĩ đối với đời sống tinh thần của loài người là vô giá (cứ thử hát lại những “Khúc nhạc chiều”, “Mặt trời của tôi”, “Trở về Suriento”… mà xem. Những tác phẩm ấy có đời sống lâu hàng thế kỷ ấy chứ).
Vậy mà, trên mạng hiện đang đầy rẫy ca khúc và nhạc không lời có tới hàng trăm ngàn lượt người nghe, có biết bao người xuýt xoa “cảm ơn tác giả, hay quá, yêu quê mình quá…” nhưng chỉ thấy tên người trình bày, hiếm hoi lắm mới thấy ghi tên tác giả. Đây gọi là “ý thức hệ hồn nhiên” của người thưởng thức âm nhạc. Và đây nữa: Lần 2 bạn đồng nghiệp ở Tây Nguyên là nhạc sĩ Y Phôn Ksor với ca khúc “Đôi chân trần” và Krajan Plin với bài hát “KBing ơi” được mời ra Hà Nội nhận giải “Bài hát yêu thích được khán giả bình chọn”, mỗi vị chỉ 10 triệu đồng. Còn các ca sĩ hát các ca khúc ấy thì mỗi người… 40 triệu đồng.
Chẳng phải tỵ nạnh với các bạn ca sĩ về giá trị kinh tế, hoặc không biết ơn những ca sĩ đã lựa chọn tác phẩm của mình để trình bày. Nhưng chỉ băn khoăn mãi về cách nghĩ của ban tổ chức, hoặc của những bạn rất yêu nhạc, đã đưa một cách vô tư các bản nhạc và bài hát hay lên mạng cho công chúng thưởng thức mà quên đi người đã làm nên thứ sản phẩm tinh thần đặc biệt ấy. Và ô hay, tại sao lại có thể đánh giá lao động của người nhạc sĩ thấp hơn lao động của ca sĩ một cách quá chênh lệch như thế chứ? Chẳng lẽ mặc nhiên làm nhạc sĩ là đồng nghĩa với việc phải gánh lấy trách nhiệm phục vụ người nghe một cách “vô tư” sao?
Như trang web Linhnganiekdam.vn của tôi chẳng hạn, có bạn ái ngại nhắn hỏi: “Sao công trình sưu tầm, nghiên cứu hàng chục năm của riêng lại phô hết cả ra thế?”. Ô, càng nhiều bạn đọc, sẽ càng nhiều người hiểu và yêu Tây Nguyên, kính trọng sức sáng tạo của văn hóa truyền thống Tây Nguyên, càng quý chứ sao. Nay mai mất hết rồi, đến người Tây Nguyên cũng chẳng biết mình là ai, mình có gì, nữa là người miền khác. Tài sản đó cũng đâu phải của mình mà chiếm làm của riêng được? Miễn rằng các bạn làm khoa học, làm báo cần tra cứu, nhớ ghi nguồn trích dẫn là được thôi (điều đó cũng còn phụ thuộc bản lĩnh hành nghề của mỗi người nữa).
Nói thế để thấy rằng các nhạc sĩ của chúng ta thật đáng yêu, rất vô tư khi chia sẻ cảm xúc tình cảm, đứa con tinh thần của cá nhân với mọi người mà chẳng hề lên tiếng đòi hỏi một chút gì cho mình. Thế thì tại sao họ lại không đáng được xã hội đối xử một cách công bằng? May mà còn có Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc làm hộ các nhạc sĩ việc ấy. Chẳng phải các nhạc sĩ “thấp cổ bé miệng”, mà vì lúc nào cũng sống trên mây trong cảm xúc của mình, nên hơi bị… yếu kém khi đòi quyền lợi đấy thôi.
Linh Nga Niê Kdăm