Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Nhân bản vô tính loài chồn chân đen có nguy cơ tuyệt chủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố nhân bản thành công một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, đó là một con chồn chân đen được nhân bản từ gen của một cá thể chồn đã chết hơn 30 năm trước.

Elizabeth Ann, con chồn chân đen đầu tiên được nhân bản vô tính và là loài có nguy cơ tuyệt chủng đầu tiên của Mỹ được nhân bản chụp ngày 29-1, lúc được 50 ngày tuổi. Ảnh: Tổ chức Cá và Động vật Hoang dã Mỹ.
Elizabeth Ann, con chồn chân đen đầu tiên được nhân bản vô tính và là loài có nguy cơ tuyệt chủng đầu tiên của Mỹ được nhân bản chụp ngày 29-1, lúc được 50 ngày tuổi. Ảnh: Tổ chức Cá và Động vật Hoang dã Mỹ.



Con chồn cái được nhân bản có tên Elizabeth Ann, chào đời ngày 10-12-2020 và được công bố hôm 18-2, trông rất dễ thương. Nhưng đó là loài động vật hoang dã chuyên ăn động vật, không giống người mẹ nuôi đã mang thai nó là loài chồn hương được nuôi nhốt.

Elizabeth Ann sinh ra và đang được nuôi dưỡng tại một cơ sở nuôi chồn hương chân đen của Tổ chức Cá và Động vật hoang dã Mỹ. Đây là bản sao di truyền của một con chồn hương có tên là Willa đã chết vào năm 1988 và cơ thể của nó đã được đông lạnh trong những ngày đầu của công nghệ DNA.

Chồn hương chân đen là một loại chồn dễ nhận biết bởi phần quanh mắt sẫm trông giống như mặt nạ của tên cướp. Chúng bí ẩn và sống về đêm, thức ăn chủ yếu của chúng những con chó đồng cỏ.

Ngay cả trước khi được nhân bản, chồn chân đen đã là một câu chuyện bảo tồn thành công. Chúng đã tuyệt chủng do mất môi trường sống khi các chủ trang trại bắn và đầu độc các đàn chó đồng cỏ vì chúng không thích hợp cho việc chăn nuôi gia súc - cho đến khi một con chó trang trại tên là Shep mang một con chồn chân đen đã chết về nhà ở Wyoming vào năm 1981. Quần thể còn sót lại của vài chục con chồn chân đen được duy trì cho đến khi loài vật này bị coi là tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 1987.

Những năm 1990, các nhà khoa học thu thập số chồn chân đen còn lại cho một chương trình nhân giống nuôi nhốt đã thả hàng nghìn con chồn chân đen tại hàng chục địa điểm ở miền tây Mỹ, Canada và Mexico.

Tuy nhiên, tất cả những con chồn được nhân giống cho đến nay đều là hậu duệ của chỉ bảy con chồn có quan hệ họ hàng gần, giống nhau về mặt di truyền, khiến những con chồn ngày nay có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột và bệnh dịch hạch.

Công nghệ nhân bản thúc đẩy nỗ lực bảo tồn


 

Elizabeth Ann, con chồn cái chân đen được nhân bản vô tính lúc tròn 48 ngày tuổi. Ảnh: Tổ chức Cá và Động vật Hoang dã Mỹ chụp ngày 27-1.
Elizabeth Ann, con chồn cái chân đen được nhân bản vô tính lúc tròn 48 ngày tuổi. Ảnh: Tổ chức Cá và Động vật Hoang dã Mỹ chụp ngày 27-1.


Con chồn Willa cũng có thể di truyền gen của mình theo cách thông thường, nhưng chú chồn con mà nó sinh ra đã chết.

Khi Willa chết, Văn phòng Wyoming Game and Fish đã gửi các mô của nó đến một “vườn thú đông lạnh” do San Diego Zoo Global điều hành, nơi đang bảo quản các tế bào từ hơn 1.100 loài và phân loài trên toàn thế giới.

Kỹ thuật nhân bản có thể giúp hồi phục những loài đã tuyệt chủng. Một con ngựa hoang Mông Cổ đã được nhân bản và được sinh ra vào mùa hè năm ngoái tại một cơ sở ở Texas.

Anh Ben Novak, nhà khoa học chính của Revive & Restore, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào bảo tồn công nghệ sinh học đã phối hợp nhân bản chồn và ngựa, cho biết: “Công nghệ sinh học và dữ liệu bộ gen thực sự có thể tạo ra sự khác biệt trong nỗ lực bảo tồn”.

Điều phối viên chương trình phục hồi chồn chân đen Pete Gober, thuộc Tổ chức Cá và Động vật hoang dã Mỹ nói: “Với những kỹ thuật nhân bản này, về cơ bản, chúng ta có thể đóng băng thời gian và tái tạo những tế bào đó”.

Nhân bản là tạo ra một loài thực vật hoặc động vật mới bằng cách sao chép các gen của động vật hiện có. Công ty Viagen có trụ sở tại Texas, nơi kinh doanh việc nhân bản mèo cưng với giá 35.000 USD và chó với giá 50.000 USD, cũng chính là nơi đã nhân bản ngựa hoang đến từ Mông Cổ. Tương tự như chồn chân đen, khoảng 2.000 con ngựa loài Przewalski của Mông Cổ còn sống sót là hậu duệ của chỉ một chục cá thể loài này.

Công ty Viagen đã phối hợp của Revive & Restore, một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tập trung vào công nghệ sinh học nhân bản chồn chân đen từ phôi của Willa. Bên cạnh việc nhân bản, tổ chức Revive & Restore còn thúc đẩy nghiên cứu di truyền về các dạng sống khác nhau, từ sao biển đến báo đốm.

Bà Ryan Phelan, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Revive & Restore cho biết: “Làm thế nào chúng ta có thể thực sự áp dụng một số tiến bộ  khoa học để bảo tồn? Vì bảo tồn cần nhiều công cụ kỹ thuật hơn. Đó là toàn bộ động lực của chúng tôi. Nhân bản chỉ là một trong những công cụ”.

Elizabeth Ann và các bản sao của Willa trong tương lai sẽ tạo thành một dòng chồn chân đen mới để nghiên cứu. Ông Gober cho biết, hiện tại không có kế hoạch thả chúng vào tự nhiên.

Anh Novak, nhà khoa học hàng đầu tại Revive & Restore cho biết, nỗ lực kéo dài bảy năm để nhân bản một con chồn chân đen nhằm hiện thực hóa những điều mang tính lý thuyết và cho thấy công nghệ sinh học có thể giúp cho việc bảo tồn ngày nay. Vào tháng 12 năm ngoái, Novak đã cùng gia đình lái xe đến Fort Collins để xem trực tiếp thành quả này.

Anh Novak nói: “Tôi hoàn toàn phải tận mắt nhìn thấy bản sao xinh đẹp của chúng tôi. Không có gì đáng kinh ngạc hơn thế".

Nhóm của Novak còn dự định nhân bản loài chim bồ câu đã tuyệt chủng hơn một thế kỷ. Nhân bản chim được xem là thách thức hơn nhiều so với động vật có vú, vì đây là loài đẻ trứng. Hơn thế nữa, nhóm thậm chí còn cố gắng mang loài voi ma mút lông cừu, một sinh vật đã tuyệt chủng hàng nghìn năm trở lại với cuộc sống ngày nay.

 

Theo HOA LAN (NDĐT/AP)

Có thể bạn quan tâm