Kinh tế

Giá cả thị trường

Nhân dân tệ giảm giá, hàng Việt bị ảnh hưởng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang có thể khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này khó khăn hơn
Trước diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 15-5 đã đặt tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) là 6,8365 NDT đổi 1 USD - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1-2019, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Sẽ khó cạnh tranh hơn
Đồng NDT giảm giá mạnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam lo lắng, bởi Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Khi NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của VNĐ trước đồng USD sẽ tạo ra chênh lệch giữa đồng NDT và VNĐ. Lúc này, giá hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho DN xuất khẩu nước ta.
Chưa hết, khi đồng NDT giảm giá, hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, hàng Việt vào Trung Quốc khó khăn hơn, đồng thời kém cạnh tranh hơn ở các thị trường.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc chỉ đạt 10,4 tỉ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất là thủy sản, điện thoại và linh kiện... Bộ Công Thương thừa nhận Việt Nam là một trong những thị trường đang hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tăng cao nhưng ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc lại đang gặp nhiều khó khăn và sụt giảm.
 
Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cá tra xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường - chuyên xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc, cho biết những diễn biến leo thang từ thương chiến Mỹ - Trung và đồng NDT giảm giá khiến các DN xuất khẩu nông sản lo lắng. Bởi lẽ, trong tình hình căng thẳng, phức tạp hiện nay, chỉ DN nào xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc mới có lợi thế để đàm phán, thương thảo hợp đồng, điều khoản thanh toán theo hướng có lợi. Trong khi đó, phần lớn DN Việt xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường biên mậu, tiểu ngạch nên chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
Ứng phó để không giảm thị phần
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết năm 2018, các DN Việt xuất khẩu khoảng 75 triệu đôi giày dép các loại, trị giá 1,4 tỉ USD sang Trung Quốc. Thị trường này đứng thứ 4 trong số các thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng da giày, túi xách của Việt Nam.
"Khi NDT mất giá, Việt Nam có cơ hội mua nguyên phụ liệu đầu vào từ thị trường này thấp hơn. Nhưng ngược lại, hàng Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn ở các thị trường khác, giúp nâng cao tính cạnh tranh, nhất là thị trường EU, Nhật và các nước Đông Á... Lúc này, hàng Việt Nam sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, thậm chí DN trong nước mất thị phần vào tay DN Trung Quốc ở những thị trường khác" - ông Diệp Thành Kiệt phân tích.
Trung Quốc cũng là một trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trên 1 tỉ USD/năm và là thị trường quan trọng tiêu thụ lượng thủy sản lớn. Thế nhưng, trong năm 2018 và quý I/2019, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm; riêng quý I giảm 5%, chỉ đạt 239 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một trong những nguyên nhân của sụt giảm này là do đà mất giá của đồng NDT. Hiện nay, hơn 150 DN Việt xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và chỉ cần nhu cầu từ thị trường này giảm thì có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế Đông Nam Á. Thương chiến Mỹ - Trung ít nhiều đã và đang gây ảnh hưởng đến thương mại thủy sản của Trung Quốc khiến cung cầu xáo trộn. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc có xu hướng lựa chọn tôm Ấn Độ giá rẻ thay vì tôm Việt Nam khiến cho xuất khẩu tôm Việt bị sụt giảm liên tục từ năm ngoái đến nay.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm ăn ở thị trường Trung Quốc, ông Đoàn Văn Sang cho rằng trong bối cảnh phức tạp của thương chiến Mỹ - Trung, các DN cần thay đổi cách thanh toán, giảm lượng hàng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới tiềm năng hơn để giảm thiệt hại.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Để chủ động trong hoạt động quản trị DN, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các DN cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỉ giá, lãi suất thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro. Cơ quan quản lý cần tiếp tục khuyến khích xây dựng và chuẩn hóa các công cụ tài chính nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, từ đó hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định tỉ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, chỉ trong vòng 1 tuần, thương chiến Mỹ - Trung leo thang với những diễn biến quá nhanh nên bản thân các DN, hiệp hội cũng chưa thể có ứng phó cụ thể. Quan trọng hơn, câu chuyện lúc này không còn là vấn đề của hiệp hội, DN mà ở tầm quốc gia, cần sự vào cuộc của nhà nước và cơ quan quản lý. Gần như tất cả dòng sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế đều có những sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ. 
Rủi ro tỉ giá đang gia tăng
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận việc NDT mất giá trước mắt sẽ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Nhưng về lâu dài, hệ lụy của việc NDT giảm giá sẽ là không nhỏ, gây sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ trong bối cảnh đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Lúc này, "bóng" đang nằm trong tay của Ngân hàng Nhà nước, dưới góc độ cơ quan này cần kiên định lập trường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định tỉ giá nhằm tạo niềm tin vào VNĐ.

Theo nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI, bên cạnh áp lực từ diễn biến quốc tế, nguồn cung USD trong nước cũng bắt đầu hạn chế hơn khi cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt 550 triệu USD trong tháng 4. Rủi ro với tỉ giá USD/VNĐ đang gia tăng. Dù vậy, vẫn có những cơ sở để tỉ giá tiếp tục được kiểm soát như kinh nghiệm điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; dự trữ ngoại hối hiện ở mức cao nhất từ trước tới nay; triển vọng gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ những thương vụ bán vốn lớn và Trung Quốc sẽ phải có biện pháp mạnh nhằm kiểm soát nội tệ như đã từng làm trong năm 2018.

Thái Phương (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm