Chính trị

Tin tức

Nhận diện suy thoái và "tự chuyển hóa" qua báo chí, truyền thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 27-10, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Người làm báo, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức tọa đàm “Nhận diện suy thoái và "tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông”.
 

Đồng Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Đồng Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: Cuộc tọa đàm lần này góp phần khẳng định các giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhận diện sâu thêm về những thăng trầm của lịch sử trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thông qua đó, các đại biểu phê phán nhận thức lệch lạc, chệch hướng, tôn sùng chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân của một số cán bộ đảng viên thông qua các tác phẩm báo chí truyền thông, góp phần cùng toàn Đảng xây dựng quyết tâm chống “giặc nội xâm”, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, tạo bước đột phá mới trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược, củng cố được niềm tin của nhân dân...

Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn nhận được nhiều ý kiến, tham luận có chất lượng, chuyển tải được nhiều thông điệp, thông tin có giá trị đến với báo chí và công chúng trong, ngoài nước.

Tọa đàm tập trung thảo luận ba nội dung chính: Khẳng định giá trị lịch sử, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với thế giới, Việt Nam và tương lai nhân loại; nhận diện suy thoái , “tự chuyển hóa” của một bộ phận đảng viên, những hệ lụy và nguyên nhân của suy thoái; “tự chuyển hóa”; đề xuất các giải pháp quan trọng chống suy thoái, “tự chuyển hóa”...

Gần 30 tham luận được trình bày tại tọa đàm, chuyển tại được nhiều nội dung thông tin, thông điệp đến với các cấp lãnh đạo và nhân dân, góp phần nhận diện sâu thêm về chân lý của Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội; đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thử thách của khúc quanh lịch sử mà Chủ nghĩa xã hội đang phải đối mặt.

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để bài trừ tệ nạn tham nhũng, quét “giặc nội xâm”, đề cao việc sửa lỗi hệ thống, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho, sửa sai triệt để trong công tác cán bộ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt, cần đột phát triệt để thực thi dân chủ...

Nhiều năm qua, báo chí luôn đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” theo nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, được thể hiện kịp thời trên diễn đàn báo chí, truyền thông, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của Đảng, đúng tinh thần Nghị quyết, đúng đối tượng theo phương thức phù hợp với từng loại hình, cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã mở chuyên mục, chuyên trang… thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về đấu tranh chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Một số cơ quan báo, đài lớn đã thực hiện các loạt bài bình luận, chuyên luận sắc sảo, giao lưu, đối thoại có tính phản biện cao, phân tích sâu về những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như: Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng sản…

Nhiều cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí ở Trung ương, đã nghiêm túc vào cuộc, có trách nhiệm và thể hiện các tác phẩm báo chí đúng tầm của vấn đề. Nhiều tác phẩm phản ánh những bất thường - lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, quản lý kinh tế - những hệ lụy của sự suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; phản ánh tình trạng làm thất thoát, chiếm đoạt tài nguyên, khoáng sản của quốc gia…

Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí, truyền thông đóng vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ở đâu và lúc nào, vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ; không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Mặt khác, ngay bản thân các phóng viên, nhà báo không phải ai cũng có đủ nhận thức, tri thức và kỹ năng tác nghiệp để vừa tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cơ quan báo chí…

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Danh Giáp, cán bộ hưu trí (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: Là cán bộ nghỉ hưu ở nông thôn, được tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân địa phương, ông nhận thấy cuộc đấu tranh phòng chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trên báo chí được nhân dân hết sức quan tâm.

Có thể nói phòng, chống tham nhũng trên báo chí đã trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,"tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, củng cố vững chắc niềm tin của quần chúng vào Đảng, sự nghiệp cách mạng. Đó là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Mỹ Bình (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm