Kinh tế

Nhân rộng mô hình nuôi dê Bách Thảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những ưu điểm như: khả năng sinh trưởng, chống chịu bệnh tốt, thức ăn dễ kiếm (chủ yếu là các loại lá cây, cỏ, rơm rạ và các phế phụ phẩm nông nghiệp khác), thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khô nóng… nên dê lai Bách Thảo hiện đang trở thành vật nuôi được nhiều bà con nông dân ở huyện Ia Pa lựa chọn.

Trao “cần câu”

Dê là loại động vật dễ nuôi, ít bệnh, sinh sản nhiều, vốn đầu tư ít nên được nhiều bà con nông dân huyện Ia Pa lựa chọn chăn nuôi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, giống dê bản địa (còn gọi là dê cỏ) có vóc dáng nhỏ, trọng lượng thấp, sinh sản chậm, giá thành rẻ… chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân. Từ thực tiễn đó, đầu năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa đã triển khai mô hình nuôi dê Bách Thảo sinh sản tại xã Ia Tul.

 

Cán bộ xã Ia Tul kiểm tra mô hình nuôi dê Bách Thảo tại gia đình ông Rô Tiơn (buôn Biah A). Ảnh: T.Đ
Cán bộ xã Ia Tul kiểm tra mô hình nuôi dê Bách Thảo tại gia đình ông Rô Tiơn (buôn Biah A). Ảnh: T.Đ

Theo đó, có 5 hộ dân được cấp mỗi hộ 5 con dê cái và 1 con dê đực; tổng kinh phí triển khai mô hình trên 241 triệu đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 178 triệu đồng để cấp con giống, người dân đóng góp trên 63 triệu đồng làm chuồng, mua thức ăn, thuốc thú y và công chăm sóc…). Trạm Khuyến nông phối hợp UBND xã tổ chức tập huấn cho 40 người dân trong xã về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc dê, ủ phân chuồng. Trong suốt 1 năm thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật theo sát từng hộ dân để hướng dẫn cách phòng bệnh, chăm sóc dê mẹ sinh sản và dê con… Đến nay, đàn dê của 5 gia đình trên đã sinh sản và phát triển tốt, từ 30 con dê giống được cấp ban đầu đã phát triển lên thành 76 con. Trong 5 hộ được cấp dê giống có 2 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo nhờ phát triển đàn dê Bách Thảo đã vươn lên thoát nghèo.

Ông Hiao Anh (buôn Biah B, xã Ia Tul) trước năm 2015 thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được cấp 5 con dê cái và 1 con dê đực Bách Thảo để nuôi đã phát triển đàn dê lên thành 16 con, gia đình nhờ đó mà thoát nghèo. “Tôi rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ dê giống để gia đình chăn nuôi, gầy dựng kinh tế. Dê Bách Thảo dễ nuôi, lại chóng lớn, đẻ nhiều nên đàn dê của gia đình tăng số lượng nhanh chóng. Nhờ đó, cuối năm 2015, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo”-ông Hiao Anh phấn khởi nói.

Từ kết quả đó, năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa tiếp tục triển khai dự án “Nhân rộng mô hình nuôi dê Bách Thảo” để ngành chăn nuôi dê của huyện phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mô hình được thực hiện tại xã Ia Ma Rơn và xã Ia Kdăm với 30 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con dê đực giống và 50% chi phí thuốc thú y; tổng kinh phí thực hiện 665 triệu đồng. Ủy ban nhân dân xã Ia Tul cũng bố trí ngân sách mua 40 con dê đực giống Bách Thảo cấp cho 40 hộ dân nuôi nhằm lai cải tạo đàn dê địa phương. Dự án giảm nghèo Tây Nguyên cũng đã hỗ trợ cho 60 hộ dân ở các xã: Ia Tul, Ia Kdăm, Ia Broăi tổng cộng 237 con dê Bách Thảo (xã Ia Tul 30 con, xã Ia Kdăm 159 con và xã Ia Broăi 48 con).

Mở hướng thoát nghèo

Tổng đàn dê của huyện Ia Pa hiện nay là trên 7.000 con. Tuy nhiên, chiếm đa số vẫn là giống dê cỏ địa phương có trọng lượng nhỏ (30-35 kg/con dê trưởng thành) nên hiệu quả kinh tế thấp. Còn dê Bách Thảo trưởng thành có cân nặng gấp đôi, lại tạp ăn, nhanh lớn, ít bị dịch bệnh nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Siu Kuơn-cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa, cho hay: “Mục đích của việc nhân rộng mô hình là cải tạo đàn dê trên địa bàn huyện Ia Pa. Các hộ tham gia được Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê như: cách làm chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; cách bổ sung thức ăn tinh, lựa chọn thức ăn thô xanh theo mùa và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để đàn dê luôn được khỏe mạnh và có khả năng sinh sản tốt”.

Theo cam kết thì mỗi hộ tham gia mô hình này sau một năm phải hoàn trả cho dự án dê đực giống lai để dự án tiếp tục hỗ trợ cho những hộ tiếp theo nhằm nhân rộng mô hình. Nhờ thực hiện tốt các khâu kỹ thuật trong quy trình nuôi nên đàn dê sinh trưởng phát triển tốt. Những con dê đực giống đã thực hiện phối giống cho đàn dê cái của các hộ tham gia. Đến nay, một số dê đã đẻ con. Người dân rất phấn khởi.

Ông Tạ Quang Thái (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn) cho biết: “Tôi thấy giống dê này to hơn hẳn giống dê gia đình đang nuôi. Nguồn thức ăn cho nó cũng dễ kiếm. Được tham gia mô hình, gia đình cũng cố gắng chăm sóc đàn dê tốt để thực hiện theo đúng cam kết của dự án đã đề ra”. Còn ông Rô Bút (thôn Ama Rin 3, xã Ia Ma Rơn) chia sẻ: “Tôi rất vui. Gia đình sẽ cố gắng nuôi tốt để đàn dê đẻ nhiều con”.

Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi dê lai Bách Thảo” mà Trạm Khuyến nông và Ban Quản lý Dự án giảm nghèo Tây Nguyên cùng một số xã ở huyện Ia Pa triển khai được xem là cách làm cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đàn dê giống ban đầu này sẽ tạo ra đàn dê tốt hơn trong tương lai, là nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, dự án còn khai thác được tiềm năng và thế mạnh của địa phương và thúc đẩy nghề chăn nuôi dê phát triển bền vững hơn.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm