Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Nhân sự được bầu vào Trung ương phải đủ tâm, đủ tài, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác nhân sự của nhiệm kỳ này được làm cẩn trọng, chặt chẽ, dân chủ, thực chất theo quy trình 5 bước. Nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng Đại hội sẽ sáng suốt bầu chọn ra Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đủ tâm, đủ tầm, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đưa đất nước ta phát triển hơn nữa.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: T.V
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: T.V


Nhân sự khóa XIII phải tâm huyết, trách nhiệm với Đảng, với nhân dân

Trao đổi với PV báo chí bên lề Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh Trà Vinh - cho biết: Sau khi nghe nội dung báo cáo về nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII, các đại biểu đều thấy rằng công tác này đã được làm rất công phu, chu đáo, thận trọng. Công tác nhân sự được thực hiện theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. Cơ cấu nhân sự trong danh sách đề cử lần này rất hợp lý, có cũ có mới, có kế thừa, có đổi mới, có địa phương, có trung ương.

Với tư cách đại biểu dự Đại hội, ông Tuấn bày tỏ mong muốn các đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII phải tâm huyết, trách nhiệm với Đảng với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Ông kỳ vọng, các Ủy viên T.Ư khóa XIII sẽ tích cực nghiên cứu các chỉ tiêu, mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra, vận dụng, nâng cao hiệu quả công tác, từ đó góp phần đưa đất nước phát triển vững mạnh, phồn vinh, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và cải cách mạnh mẽ về thể chế cũng như nguồn nhân lực, đặc biệt là cách mạng 4.0, các lĩnh vực đột phá của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tiếp đến là bộ máy đủ mạnh để lãnh đạo đất nước. Đảng ta đã có những bước chuẩn bị công tác nhân sự rất bài bản, công phu và khoa học, có quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mong muốn chọn được những người thực sự đủ đức, đủ tài, năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ.

“Để đưa đất nước tiến bộ và phát triển hơn thì yếu tố con người là quyết định. Chính vì vậy, các đại biểu dự Đại hội cần cân nhắc, suy nghĩ và nghiên cứu kỹ Đề án nhân sự cũng như hồ sơ cá nhân của từng nhân sự được giới thiệu để lựa chọn bầu những người đủ phẩm chất, năng lực, đủ tâm, đủ tầm, đủ tài, lựa chọn những người quan tâm về đời sống của người dân, đặt mục tiêu chăm lo, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết” - ông Đồng nhấn mạnh điều này và cho rằng chọn đúng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có ý nghĩa rất lớn trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ khóa XIII, đưa đất nước đạt được những mục tiêu đề ra.

Công tác nhân sự được làm cẩn trọng, chặt chẽ, dân chủ

Cùng trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, một trong những khâu đột phá chiến lược được văn kiện Đại hội đặt ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới và những năm tiếp theo: “Tôi tin rằng, Đại hội lần này sẽ thành công tốt đẹp, công tác nhân sự được làm cẩn trọng, chặt chẽ, dân chủ. Đại hội sẽ sáng suốt bầu chọn ra những nhân sự có tâm, có tầm, có tài để Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thực sự là tập thể đoàn kết, tiêu biểu về trí tuệ, năng lực và uy tín để lãnh đạo đất nước bước vào một giai đoạn mới”.

Còn đại biểu Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang - cho rằng, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản và chặt chẽ, đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Theo ông Thắng, việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thực sự dân chủ, khách quan, công tâm và đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Là một đại biểu chính thức, ông Thắng bày tỏ mong muốn Đại hội sẽ thực sự sáng suốt để lựa chọn được một tập thể Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII thật sự đoàn kết, tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất, là đại diện tiêu biểu nhất để thực hiện những trọng trách của Đảng.

Theo đại biểu Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, với trách nhiệm của mình, đại biểu sẽ nghiên cứu kỹ và thể hiện chính kiến một cách công tâm, khách quan, dân chủ, góp phần lựa chọn bầu được Ban Chấp hành Trung ương thực sự tiêu biểu, đủ tầm lãnh đạo đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tiến bộ hơn.

 



Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ

Tôi mong Trung ương sẽ sớm ban hành quy chế bảo vệ cán bộ “6 dám”, đó là: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Nếu hoàn thiện được cơ chế này, chúng ta sẽ khuyến khích và phát huy được sự đột phá, sáng tạo của cán bộ vì sự nghiệp chung.

Trong thời gian qua, khi nghiên cứu các mô hình phát triển chúng ta thấy rằng, chỉ có trên cơ sở đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, dũng cảm đổi mới sáng tạo, không theo tư duy và cách thức lối mòn để tìm ra phương thức mới để phát triển. Như vậy, chúng ta mới có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Trong trường hợp này, cần phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cho các cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân.

 


Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trà Vinh: Cần có những đột phá

Văn kiện Đại hội XIII đã xác định cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” này là điều rất tốt, để giúp cán bộ vững tâm, vững lòng hơn khi có những đổi mới sáng tạo vì sự phát triển, vì lợi ích sự nghiệp chung của đất nước. Chúng ta đang trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong các Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và trong tiến trình đổi mới, khó tránh khỏi những vấn đề bất cập của cơ chế chính sách, những vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Muốn cho đất nước đổi mới theo hướng tích cực rất cần có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của nhân dân. Đặc biệt, cần có những đột phá nắm bắt thời cơ để tạo nên những bước phát triển mới, đời sống nhân dân được cải thiện.

Tôi kỳ vọng, trong nhiệm kỳ XIII sẽ có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới. Trong quá trình hội nhập, nếu không có những đổi mới theo hướng tích cực thì khó có thể hội nhập được thành công. Nếu như cán bộ làm đúng, cán bộ có bản lĩnh, làm việc vì lợi ích chung thì không có gì phải lo lắng. Một bài học được rút ra đó là trong quá trình thực hiện nếu có điều gì vướng mắc thì cần phát huy dân chủ, xin chủ trương từ cấp trên để làm rõ.


https://laodong.vn/thoi-su/nhan-su-duoc-bau-vao-trung-uong-phai-du-tam-du-tai-cham-lo-cho-hanh-phuc-cua-nhan-dan-875605.ldo


Theo TRẦN VƯƠNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm