Kinh tế

Tài chính

Nhật Bản hỗ trợ hơn 650 triệu USD cho 87 công ty rút khỏi Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố danh sách các công ty đầu tiên nhận hỗ trợ của chính phủ để di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 17-7 cho biết 87 doanh nghiệp trong danh sách sẽ nhận hỗ trợ tổng cộng 70 tỉ yen (653 triệu USD) để di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, qua đó giảm sự phụ thuộc của kinh tế Nhật Bản vào Trung Quốc.

Khoảng 30 công ty trong số này sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á. Hoya, doanh nghiệp chuyên sản xuất ổ cứng, sẽ chuyển đến Việt Nam và Lào. Công ty sản xuất găng tay Sumitomo Rubber sẽ xây dựng nhà máy mới tại Malaysia.

Công ty nam châm Shin-Etsu Chemical sẽ chuyển nhà máy đến Việt Nam. Nhóm 57 công ty còn lại sẽ đưa dây chuyền sản xuất về lại Nhật Bản.


 

 Công nhân làm việc tại nhà máy khẩu trang của Iris Ohyama ở Kakuda. Ảnh: Reuters
Công nhân làm việc tại nhà máy khẩu trang của Iris Ohyama ở Kakuda. Ảnh: Reuters


Công ty Iris Ohyama đang sản xuất khẩu trang tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và Tô Châu. Nguồn nguyên liệu chính của công ty này cũng được mua từ các công ty Trung Quốc.

Với sự trợ giúp của chính phủ Nhật Bản, công ty Iris Ohyama sẽ sản xuất khẩu trang tại nhà máy Kakuda, tỉnh Miyagi (miền Bắc Nhật Bản). Tất cả nguyên liệu sẽ được chuẩn bị tại địa phương, độc lập với các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Nhiều công ty lớn trong ngành sản xuất phụ tùng hàng không, xe hơi, phân bón, thuốc như Sharp, Shionogi, Terumo và Kaneka cũng có tên trong danh sách trên.

Chính phủ Nhật Bản dành 220 tỉ yen (2 tỉ USD) trong ngân sách bổ sung năm tài khóa 2020 để khuyến khích các công ty di dời nhà máy về Nhật Bản và một số nước khác. Trong số đó, 23,5 tỉ yen (220 triệu USD) được dành để hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhà máy từ ​​Trung Quốc đến Đông Nam Á.

Vào đầu đợt bùng phát dịch Covid-19, Nhật Bản trải qua một thử thách nghiêm trọng trong việc tìm nguồn cung ứng các mặt hàng như khẩu trang, đa phần đến từ Trung Quốc.

 

Di chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở mới hoặc một quốc gia mới sẽ rất tốn kém. Ảnh: Free Malaysia Today
Di chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở mới hoặc một quốc gia mới sẽ rất tốn kém. Ảnh: Free Malaysia Today


Trước đó, chính sách Tokyo cấp vốn để các công ty Nhật Bản chuyển dịch trở về nước hoặc tới các quốc gia Đông Nam Á khác vấp phải sự phản đối. Một số công ty Nhật Bản cho rằng Trung Quốc là thị trường đặc biệt quan trọng, chưa kể tới việc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác vào thời điểm hiện tại sẽ rất đắt đỏ và gây ra sự đứt quãng không cần thiết.

Ngay cả khi có nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, việc di chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở mới hoặc một quốc gia mới sẽ rất tốn kém, chưa kể tới chi phí bồi thường nhân viên và các đối tác doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, một số công ty Nhật Bản ở Trung Quốc lo ngại về việc bị áp thêm nhiều loại thuế trong tương lai giữa cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là chưa kể đến những vấn đề khác cũng đáng lưu ý như chi phí nhân công tăng hoặc những cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản xoay quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hay lo ngại về nguy cơ bị ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Theo H.Bình (NLĐO, Nikkei Asian Review)

Có thể bạn quan tâm