Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Nhất thể hóa bí thư chi bộ và trưởng thôn: Hiệu quả, tiết kiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không chỉ tinh gọn bộ máy, việc nhất thể hóa 2 chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Tuy nhiên, việc nhất thể hóa 2 chức danh này hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về nhân sự.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Năm 2019, ông Rơ Lan Kai chính thức đảm nhận “3 vai” cùng lúc là già làng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Jrăng Krái, xã Ia Khai, huyện Ia Grai. Ban đầu, ông Kai cũng không tránh khỏi áp lực. Thế nhưng, vì “Đảng cử, dân tin”, ông không có lý do để khước từ. Từng làm cán bộ xã nhiều năm nên ông hiểu rất rõ trách nhiệm của từng chức danh. “Lúc trước, mọi việc to nhỏ trong làng, mình và trưởng thôn đều trao đổi, thống nhất triển khai. Còn bây giờ, mình trực tiếp sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình trong dân và chỉ đạo, triển khai luôn nên nhanh chóng, hiệu quả hơn”-ông Kai cho hay.

 Ông Nguyễn Văn Chín (đứng giữa)-Trưởng thôn An Phú (xã Phú An, huyện Đak Pơ) tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Nguyễn Văn Chín (đứng giữa)-Trưởng thôn An Phú (xã Phú An, huyện Đak Pơ) tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Minh


Đảm nhận cùng lúc nhiều chức danh nên ông Kai luôn thận trọng và ý thức rất rõ vai trò nêu gương, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông tự nguyện hiến 200 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và vận động người dân tích cực tham gia. Cuối năm 2019, Jrăng Krái trở thành làng đầu tiên của xã đạt chuẩn nông thôn mới. “Thời gian này, tôi tiếp tục vận động người dân giữ gìn cảnh quan môi trường và đóng góp kinh phí sửa chữa nhà rông, làm hệ thống điện đường để đủ tiêu chuẩn công nhận làng nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021”-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Jrăng Krái cho hay.
 


Kế hoạch số 120-KH/TU, ngày 19-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực” yêu cầu các cấp ủy tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương khuyến khích bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn. Đến nay, toàn Đảng bộ có 497/1.576 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (chiếm 31,53%).

Đến nay, xã Ia Khai đã nhất thể hóa 2 chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại 5/6 thôn, làng. Về hiệu quả của mô hình này, bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-khẳng định: “Việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân được thực hiện nhanh chóng, kịp thời; các vấn đề trong dân cũng được nắm bắt, giải quyết hiệu quả”. Cũng theo bà Lương, việc nhất thể hóa 2 chức danh ở thôn, làng đã giúp giảm bớt các cuộc họp, hạn chế thời gian làm báo cáo và nâng cao thu nhập cho cán bộ kiêm nhiệm, từ đó nâng cao trách nhiệm trong công việc.

Huyện Kbang là địa phương đi đầu trong việc nhất thể hóa 2 chức danh với 82/110 thôn, làng, tổ dân phố đã thực hiện. Theo ông Thiều Văn Phương-Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kbang, việc nhất thể hóa 2 chức danh góp phần tinh gọn bộ máy từ cơ sở và phát huy tối đa năng lực người đứng đầu. Một người làm “2 vai” sẽ thống nhất từ việc ban hành chủ trương đến tổ chức thực hiện. Mặt khác, điều này giúp tăng phụ cấp cho cán bộ để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc. Về điều này, bà Đinh Thị Hoan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1 (xã Đông) chia sẻ: “Để đảm nhận 2 chức danh, tôi luôn sắp xếp thời gian cho phù hợp và phân rõ lúc nào là việc của bí thư chi bộ, lúc nào là việc của trưởng thôn để triển khai thực hiện tốt nhất”.

Cũng theo Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kbang: “Toàn huyện có 109 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên. Thực hiện chủ trương nhất thể hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn những đảng viên đủ năng lực, uy tín, sức khỏe, sự nhiệt tình, trách nhiệm để triển khai. Nơi nào nhân sự đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ tiến hành nhất thể hóa, còn lại sẽ tiếp tục chọn nguồn, đào tạo, bồi dưỡng thêm”.

Còn khó khăn, vướng mắc

Bà Trần Thị Bích Thủy-Trưởng phòng Tổ chức Đảng và đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho biết: Toàn tỉnh có 1.576 thôn, làng, tổ dân phố; 100% đã có chi bộ. Trong số này, 1.430 chi bộ đã có chi ủy (chiếm 90,74%) và 1.200 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên (chiếm 76,14%). Đến trung tuần tháng 10-2021, toàn tỉnh đã có 497 thôn, làng, tổ dân phố nhất thể hóa 2 chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (đạt 31,53%).

 Ông A Miu (bìa trái)-Bí thư Chi bộ làng Khưn (phường Trà Bá, TP. Pleiku) vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thủy Bình
Ông A Miu (bìa trái)-Bí thư Chi bộ làng Khưn (phường Trà Bá, TP. Pleiku) vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thủy Bình


Việc hợp nhất 2 chức danh rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này. Ông Rơ Châm Yung-Bí thư Đảng ủy xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh) cho hay: “Việc tạo nguồn, phát triển đảng viên ở một số chi bộ còn gặp khó khăn. Đảng viên tại chỗ vẫn còn hạn chế khi chưa tạo được tiếng nói, uy tín trong cộng đồng, chưa đủ sức đảm đương 2 chức danh cùng lúc. Mặt khác, vẫn còn tình trạng đảng viên vi phạm khi sinh con thứ 3, thứ 4. Do đó, xã còn 3/5 làng mà chức danh bí thư chi bộ đang do cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm”.

Tại huyện Phú Thiện, việc nhất thể hóa 2 chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn mới chỉ được thực hiện ở 19/81 thôn, làng, tổ dân phố (đạt 23,4%). Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Hồng Duy nêu nguyên nhân: Nhiệm kỳ bầu trưởng thôn và bầu bí thư chi bộ chưa thống nhất; năng lực và uy tín của một số bí thư chi bộ còn hạn chế, chưa thật sự nổi bật nên khi đưa ra trước dân để bầu trưởng thôn không nhận được tín nhiệm cao. Ngoài ra, một số xã vẫn chưa triển khai quyết liệt, chưa có giải pháp cụ thể trong việc thực hiện nhất thể hóa. “Thời gian tới, Huyện ủy sẽ chỉ đạo các địa phương cùng với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải quan tâm, lựa chọn những đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để bồi dưỡng cho vị trí bí thư chi bộ kế cận”-ông Duy thông tin thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ-cho rằng: Việc tìm người vừa am hiểu công tác Đảng, vừa uy tín trong dân là không dễ, nhất là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nơi, đảng viên trẻ chưa đủ uy tín và tiếng nói không có sức nặng với cộng đồng. Ngược lại, người được dân làng tín nhiệm, thậm chí suy tôn song lại không phải đảng viên. Đó cũng là lý do toàn huyện mới có 13/111 thôn, làng, tổ dân phố thực hiện nhất thể hóa 2 chức danh. “Cán bộ thôn, làng, tổ dân phố là “cánh tay” nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân. Vì vậy, họ có vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó, huyện rất cẩn trọng trong việc nhất thể hóa 2 chức danh và làm đến đâu phải chắc chắn đến đó”-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa nói.

 Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Huy Châu-Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy-cho biết: Việc nhất thể hóa 2 chức danh đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở thôn, làng, tổ dân phố. Đây là nhân tố quan trọng để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại khu dân cư, đồng thời giảm đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố. Tuy nhiên, việc thực hiện nhất thể hóa còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý. Cụ thể, một số thôn, làng, tổ dân phố địa bàn rộng, dân cư đông, số lượng đảng viên nhiều; ở nhiều chi bộ thôn, làng, tổ dân phố phần lớn bí thư lớn tuổi, đi lại khó trong khi thực hiện mô hình này đòi hỏi bí thư kiêm trưởng thôn phải có sức khỏe, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, am hiểu công tác Đảng, có kinh nghiệm và uy tín trong Đảng, trong dân… Ban Tổ chức đang trình Thường trực Tỉnh ủy dự thảo Chỉ thị tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nhiệm kỳ 2022-2025.

 

ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm