(GLO)- Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra vào trung tuần tháng 12-2016 tại Gia Lai đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ còn khẳng định sẽ xây dựng chiến lược và cơ chế đặc thù cho Gia Lai; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này như một làn gió mới, tiếp sức doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào mảnh đất đầy tiềm năng, thế mạnh này.
Mở ra nhiều triển vọng mới
“Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống hạ tầng giao thông ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Các tuyến đường huyết mạch như: quốc lộ 19, tỉnh lộ kết nối Gia Lai với Phú Yên, quốc lộ 14, 25, đường Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được nâng cấp mở rộng và nối thông các tuyến; mở rộng Cảng Hàng không Pleiku tạo thuận lợi cho giao thương thông thoáng….”-đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị.
Lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T |
Chính vì vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang ấp ủ ý định đầu tư vào Gia Lai có thêm cơ sở, niềm tin để mạnh dạn triển khai các dự án của mình. Quan trọng hơn, nhiều người cũng đặc biệt quan tâm đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho Gia Lai, ưu đãi hơn về thuế, tiền thuê đất nhằm giảm chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào Gia Lai. Thủ tướng còn giao Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế để một số sản phẩm đặc trưng ở Tây Nguyên (cao su, cà phê, hồ tiêu…) có đầu ra ổn định.
Ngoài ra, Thủ tướng cho biết sẽ tạo cơ hội kết nối khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, xây dựng chiến lược phát triển du lịch, vùng chế biến, đào tạo nghề, trong đó lấy Gia Lai làm trung tâm; giữ vững an ninh-chính trị bền vững để các nhà đầu tư yên tâm. Người đứng đầu Chính phủ còn khẳng định sẽ phát triển ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế rộng rãi, giữ tốc độ phát triển kinh tế cao và đề nghị các nhà đầu tư hãy tin tưởng mạnh mẽ vào một Chính phủ “kiến tạo, hành động và liêm chính”.
Chính các cơ chế rộng mở, chính sách thông thoáng cùng các tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đã có 10 dự án được UBND tỉnh trao chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư với số vốn gần 5.700 tỷ đồng; 12 dự án được các nhà đầu tư ký bản ghi nhớ cam kết hợp tác với tổng số vốn đăng ký lên đến 15.320 tỷ đồng. Ngoài những dự án này, Gia Lai còn chủ động giới thiệu danh mục 53 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2018 với tổng vốn trên 25.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Khải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn BOSSCO cho biết: Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư về các cơ chế chính sách sẽ được triển khai, tạo ra một sân chơi có tính pháp lý cao, đảm bảo cho việc thực thi các dự án. Chính vì vậy, Công ty đã mạnh dạn đăng ký và ký kết Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh đối với dự án Tổ hợp du lịch quốc tế núi lửa Chư ĐăngYa-Biển Hồ với kinh phí đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. “Dự án du lịch có quy mô cấp quốc gia với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao này sẽ góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; đưa du lịch thành ngành kinh tế mạnh, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của địa phương”-ông Khải khẳng định.
Tại hội nghị, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 84 ha, kinh phí dự kiến gần 360 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) cũng được trao quyết định chủ trương đầu tư tại huyện Đak Đoa. Ông Võ Trung Hải-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thái Sơn tại Tây Nguyên hồ hởi nói: Địa phương đã mở ra cơ chế thoáng, có chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng nên doanh nghiệp quyết định đầu tư dự án ở đây. “Doanh nghiệp đã sẵn sàng, chỉ chờ địa phương giao đất là triển khai thực hiện dự án ngay”-ông Hải nói.
Tin tưởng vào chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, tính khả thi của dự án, nhiều ngân hàng cũng mạnh dạn ký cam kết hỗ trợ tín dụng với các nhà đầu tư. Ông Đặng Quốc Thịnh-Phó Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (VietinBank) Gia Lai cho biết: Trên cơ sở đánh giá, phân tích, thẩm định tính hiệu quả và các lợi ích kinh tế của dự án, VietinBank Gia Lai đã ký kết tài trợ tín dụng với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê. Theo đó, dự án nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm tại huyện Chư Sê do Công ty này làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 125 tỷ đồng, trong đó phía ngân hàng hỗ trợ tín dụng thực hiện dự án hơn 70 tỷ đồng.
Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 được đánh giá là thành công lớn, tạo điểm nhấn thu hút đầu tư vào tỉnh. Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: Qua hội nghị lần này, cả nước biết đến Gia Lai với nhiều cơ hội rộng mở chào đón các nhà đầu tư. Một số dự án được đánh giá rất cao về tính khả thi như: Nhà máy Nước ép trái cây của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng; dự án đường Nguyễn Văn Linh của Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 525, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời tại Krông Pa của Công ty cổ phần Điện Gia Lai, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; dự án Khu trung tâm mở rộng phía Đông Chư Sê của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai với vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng…
“Bước qua năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục định hướng, kết nối đầu tư, tạo mối liên hệ liên kết chặt chẽ giữa các nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Qua đó, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo dự án được triển khai có tính khả thi cao”-ông Thành thể hiện sự quyết tâm của ngành.
Tái khẳng định điều này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Gia Lai luôn xem thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Bên cạnh việc mời gọi đầu tư, Gia Lai cam kết thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp. “Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương sẽ luôn lắng nghe, sẵn sàng tham gia định hướng, hỗ trợ tích cực và hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư. Bất kỳ thắc mắc nào về thủ tục đầu tư, về các chính sách có liên quan đến môi trường đầu tư, chúng tôi sẽ hướng dẫn và giải quyết một cách nhanh chóng”.
Ngoài việc cam kết khai thông một số cơ chế, chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh quyết tâm đổi mới, tạo bước đột phá, mở ra một chương mới cho sự phát triển của địa phương trong năm 2017. Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp chính quyền phải đồng lòng trong việc thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, tránh trường hợp “trên trải thảm, dưới rải đinh”. “Gia Lai cần có những cam kết minh bạch với các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư phát triển lâu dài. Các cấp chính quyền phải phấn đấu trở thành một chính quyền đối thoại, có tư duy đổi mới sáng tạo; chủ động đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, phải xem việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chế biến, thương hiệu mạnh, công nghệ cao là thế mạnh của địa phương mình”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị xúc tiến đầu tư đã khép lại năm 2016 với những quyết tâm đổi mới của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà. Những lời khẳng định đầy hứa hẹn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thổi một làn gió mới, một niềm tin vững chắc vào môi trường đầu tư đầy hứa hẹn trong tương lai.
Minh Triều
|
|