Bạn đọc

Nhiều công trình nước sạch không phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2006 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Krông Pa đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng các công trình giếng khoan và giếng đào cung cấp nước cho các buôn, làng thiếu nước sinh hoạt tại 13 xã của huyện. Tuy nhiên, dù đã đổ ra một số tiền lớn như vậy song hiệu quả đem lại từ các chương trình này lại quá thấp...

Đầu tư nhiều, hiệu quả ít

Theo thiết kế, các công trình này sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết  phần lớn nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân 13 xã của huyện Krông Pa, trong đó đa phần là tại các buôn, làng bà con người dân tộc thiểu số sinh sống, vốn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng thì hiệu quả đem lại đạt quá thấp.
 

Công trình cung cấp nước sinh hoạt bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Hải Lê

Trước tình hình đó, Thường trực HĐND huyện Krông Pa đã thành lập đoàn giám sát, kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hiệu quả của các công trình cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện. Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy, trong tổng số 13 xã giám sát có tổng số 58 giếng khoan đã đưa vào sử dụng thì chỉ có 19 giếng đang hoạt động (chiếm 32,75%), còn lại 39 giếng ngưng hoạt động hoàn toàn (chiếm 67,25%).
 

Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa đã xây dựng và đưa vào sử dụng 60 công trình giếng khoan và 149 giếng đào với tổng mức đầu tư lên tới trên 100 tỷ đồng. Trong đó, riêng nguồn vốn chính thức đầu tư từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 13 xã (do Ban Quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Krông Pa quản lý) đã chiếm tới 43 công trình, với tổng mức đầu tư 72,6 tỷ đồng.

Kết quả giám sát trực tiếp tại 6 xã cho thấy, nhiều công trình giếng khoan với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng gần như không đem lại hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp. Cụ thể, tại xã Ia Hdréh có 7 công trình nước sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn thuộc Chương trình 134, 135 với tổng vốn đầu tư 3,636 tỷ đồng nhưng có tới 5/7 công trình không hoạt động; 2 công trình còn lại hiệu quả hoạt động rất hạn chế do chất lượng nước không đảm bảo. Tại xã Chư Ngọc có 4 công trình thì cả 4 đều đã ngưng hoạt động, có công trình mới hoạt động được 1 tháng đã ngưng. Xã Chư Gu có 9 công trình với tổng số vốn trên 4,6 tỷ đồng thì có đến 7/9 công trình không hoạt động. Xã Ia Rmok có 5/9 công trình không hoạt động. Xã Ia Rsươm có 4/6 công trình ngưng hoạt động…
Cá biệt, xã Phú Cần có 2 công trình với tổng trị giá 1,26 tỷ đồng thì 1 công trình ngừng hoạt động, 1 công trình còn lại chỉ phục vụ cho… 1 hộ gia đình ở buôn Thim.

Điều đáng nói, trong số các giếng được đầu tư xây dựng, có giếng từ khi hoàn thành đến nay chưa được sử dụng lần nào (giếng buôn Blak, xã Ia Rmok với mức vốn 622 triệu đồng, giếng khoan của tập đoàn 6 với số tiền đầu tư 541 triệu đồng…); có giếng được đầu tư nhưng dân không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí (như giếng tại buôn Jao, buôn Nông Siu-xã Ia Rmok)… Các giếng đang hoạt động thì hiệu quả cũng rất thấp. Trung bình mỗi giếng chỉ phục vụ cho nhu cầu của vài chục đến vài trăm hộ dân, chưa đạt mức thiết kế và dự tính ban đầu. Bên cạnh đó, chất lượng nước chưa đảm bảo, có màu vàng, mùi tanh…

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân khiến cả 4 công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Chư Ngọc bị ngưng hoạt động đều do không thu được tiền nước để trả tiền điện nên bị cắt. Mỗi công trình sau khi đưa vào sử dụng thì “tuổi thọ” không được bao lâu. Ví dụ như công trình cung cấp nước tại buôn Sai, buôn Thức (mới) chỉ vận hành được 1 tháng thì bị ngưng; công trình cung cấp nước tại buôn Blang (vốn đầu tư 3,8 tỷ đồng) vận hành được hơn một năm thì ngưng hoạt động; công trình cung cấp nước tại buôn Sai, buôn Thức (cũ) trị giá 2,7 tỷ đồng chỉ hoạt động được 2 tháng. Ở công trình này, ngoài lý do không thu được tiền điện thì do công trình nằm xa khu dân cư, không có ai quản lý nên nhiều thiết bị vận hành cũng như hệ thống dây điện đã bị đánh cắp, không thể hoạt động. Vào thời điểm giám sát vào ngày 27-6 vừa qua, toàn bộ hệ thống ống dẫn nước đến hộ dân và đồng hồ đã bị hư hỏng, máy bơm không chạy, bể chứa và toàn bộ van tổng bị hư hỏng nặng, trụ điện và đồng hồ bị cháy…

Xã Chư Gu có 9 công trình cung cấp nước sạch (tổng trị giá hơn 4,623 tỷ đồng) thì có tới 7 công trình đã ngưng hoạt động. Cá biệt có công trình giếng khoan của tập đoàn 6 được đầu tư từ năm 2009 với số vốn 541 triệu đồng nhưng khi hoàn thành thì chưa phục vụ được cho nhân dân lần nào mà chỉ phục vụ cho đội công trình làm mương máng khoảng 2 tháng rồi ngừng hoạt động. Ở buôn Bát, chất lượng nước không tốt nên người dân không sử dụng…
 

Ảnh: Hải Lê

Ở các xã khác, đa số các giếng ngưng hoạt động đều là vì các lý do trên. Ngoài ra, theo đánh giá của đoàn giám sát, một trong những yếu tố không nhỏ dẫn đến tình trạng ngưng hoạt động của các công trình nước là bởi chất lượng của các công trình không đảm bảo và nguyên nhân sâu xa khiến các công trình nước sạch trị giá nhiều tỷ đồng bị “vô hiệu hóa” chính là vì khâu quản lý, điều hành khai thác của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Nhu cầu có thực, đầu tư có thực song hiệu quả lại quá mờ ảo. Bài toán về nguồn nước sạch tại huyện Krông Pa dường như có công thức, có dữ liệu song lại khó tìm ra được đáp số-rõ ràng là biểu hiện của sự yếu kém. “Trồng cây” nhưng vì nhiều lý do chủ quan lại không thể được “hái quả” rõ ràng là một nghịch lý đáng để suy ngẫm. Đó cũng là bài học về công tác quản lý, khai thác và điều hành các công trình sau đầu tư hiện nay.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm