(GLO)- Chiều 14-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng-chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Dự án Luật Phòng-chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 14-6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại phiên thảo luận đã có 21 ý kiến đại biểu phát biểu, 6 ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng-chống bạo lực gia đình như nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; giải thích từ ngữ; hành vi bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm; thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng-chống bạo lực gia đình; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; hòa giải trong phòng-chống bạo lực gia đình; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; biện pháp cấm tiếp xúc; quyền và trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng-chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng-chống bạo lực gia đình; chính sách của Nhà nước về phòng-chống bạo lực gia đình; xử lý vi phạm pháp luật về phòng-chống bạo lực gia đình.
Dự thảo luật này đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Điều 4 dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực, có thể chia thành 4 nhóm gồm: hành vi bạo lực về thể chất; hành vi bạo lực về tinh thần; hành vi bạo lực về kinh tế; hành vi bạo lực tình dục. Nêu vấn đề này, đại biểu Cao Mạnh Linh-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực nêu trên có tính chất, phương thức thực hiện, mức độ nhận diện, hậu quả xảy ra rất khác nhau. Do đó, về nguyên tắc, để phòng-chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn để làm rõ những hành vi bạo lực gia đình và nên chia các hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật thành 4 nhóm chính gồm: nhóm các hành vi bạo lực gia đình về thể chất; nhóm các hành vi bạo lực gia đình về tinh thần, tâm lý, tình cảm; nhóm các hành vi bạo lực gia đình về tình dục; nhóm các hành vi bạo lực gia đình về kinh tế, tài chính. Việc chia nhóm hành vi bạo lực gia đình nêu trên nhằm phân định rõ từng loại nhóm hành vi, tính chất, mức độ tác động đến đối tượng, từ đó có những quy định phù hợp hơn trong công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng-chống bạo lực gia đình, tư vấn, hòa giải, góp ý, phê bình và hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình, nhất là các quy định về bảo vệ, hỗ trợ xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Nhất trí với ý kiến của một số đại biểu khác về việc cần phân loại theo nhóm để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Trần Thị Kim Nhung-Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc phân loại nhằm có cơ sở cho việc áp dụng phù hợp đối với từng loại đối tượng cũng như sử dụng từng loại biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, đối với hành vi bạo lực gia đình nhằm vào trẻ em, đại biểu nhận thấy, mặc dù cơ quan soạn thảo đã cố gắng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để thể chế hóa chủ trương trong Chỉ thị 06 của Ban Bí thư là chú trọng đến đối tượng trẻ em, nhưng trên thực tế, có những loại hành vi bạo lực khá phổ biến nhưng lại rất khó nhận biết, phân biệt, nhận diện là bạo lực nhằm vào trẻ em, nhất là bạo lực về tinh thần dưới dạng mắng chửi, đe dọa, chì chiết… bởi loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dạy dỗ con.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chương trình làm việc ngày 15-6, buổi sáng Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)