Kinh tế

Giá cả thị trường

Nhiều dự án ngành công thương tăng lỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả của Bộ Công Thương cho thấy nhiều dự án vẫn tăng lỗ, tăng nợ ở mức lớn dù Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Bộ Công Thương và nhiều bộ, ngành khác đã làm việc với các tập đoàn, tổng công ty để tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai trong 8 tháng đầu năm 2019 ghi nhận mức lỗ 208,807 tỉ đồng, tức tăng lỗ hơn 94 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do tác động bởi sự giảm giá bán sản phẩm và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Với lý do tương tự, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc đang lỗ 342 tỉ đồng, tăng lỗ gần 139 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
 
Nhà máy Bột giấy Phương Nam, một dự án thua lỗ của ngành công thương, được xử lý bằng tổ chức bán đấu giá nhưng không thành công Ảnh: HỒNG MINH
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin, chi phí tài sản cố định quá lớn trong khi không có khách hàng để khai thác hết công suất các hạng mục đã đầu tư… Tính đến ngày 31-8, công ty này lỗ lũy kế 3.841 tỉ đồng, tăng lỗ 1,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng nợ phải trả 6.918 tỉ đồng, tương đương mức tăng 1%.
Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ cũng ghi nhận tăng lỗ 12% và tăng nợ 1% so với cùng kỳ; dự án Nhà máy Sản xuất năng lượng sinh học Quảng Ngãi tăng nợ 4,44% và tăng lỗ tới 14,8%; dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước tăng nợ 3,88% và tăng lỗ 14,67% so với cùng kỳ năm trước...
Có trường hợp không làm được thủ tục phá sản như dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ. Do Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự tại dự án này nên Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) phải thực hiện các kết luận của cơ quan chức năng đối với vụ án. Nhiều dự án khác còn gặp các vướng mắc như không bán đấu giá được, chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu…
Trong khi đó, báo cáo chỉ nêu một số ít dự án có biểu hiện khởi sắc. Chẳng hạn, dự án Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình 8 tháng đầu năm giảm lỗ được 284,6 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn lỗ tới 417 tỉ đồng. Riêng dự án Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng sau 9 năm vận hành đạt lợi nhuận lũy kế trên 527,19 tỉ đồng và đã được chấp thuận đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương.
Dù vậy, Chính phủ khẳng định bảo đảm hoàn thành việc xử lý các dự án, DN theo đúng yêu cầu và lộ trình đã đề ra. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở 12 dự án, DN yếu kém nói trên. 
Phương Nhung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm