Kinh tế

Tài chính

Nhiều giải pháp đẩy lùi "tín dụng đen" trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Tăng trưởng nguồn vốn cho vay, tăng trưởng tín dụng, tăng mức cho vay tối đa là 3 điểm nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) quý I-2019. Liên quan đến hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn Gia Lai, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh.

* P.V: Ông có thể cho biết tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn?    

- Ông Lê Văn Chí: Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019 của Ngân hàng CSXH tỉnh là 10%. Chi nhánh đã tranh thủ nguồn vốn trung ương phân bổ đợt 1-2019 là 255 tỷ đồng cùng với nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh và ngân sách các huyện, thị xã, thành phố với số tiền 41 tỷ đồng để cho vay. Như vậy, nguồn vốn hiện nay Ngân hàng CSXH đang triển khai giải ngân là gần 300 tỷ đồng (tăng 7% so với cuối năm 2018). Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tập trung thu nợ quay vòng 500 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn Ngân hàng CSXH cho vay là 800 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh giải ngân cho vay tại điểm giao dịch xã Ia Hla. Ảnh: K.N.B
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh giải ngân cho vay tại điểm giao dịch xã Ia Hla. Ảnh: internet



* P.V: Quý I-2019, mức tăng trưởng tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đạt bao nhiêu, thưa ông?

- Ông Lê Văn Chí: Trong quý I, doanh số giải ngân cho vay toàn tỉnh đạt gần 600 tỷ đồng với 16.315 lượt hộ vay; doanh số thu nợ đạt gần 395 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh đến ngày 31-3-2019 đạt 4.379,6 tỷ đồng, tăng 4,2% so đầu năm. Quan trọng hơn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung vào các khu vực đang thiếu vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.

* P.V: Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai giải pháp nào nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn, thưa ông?

- Ông Lê Văn Chí: Với trách nhiệm của mình, Ngân hàng đã chủ động tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để mở rộng cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư phát triển sản xuất.

Hiện nay, Ngân hàng CSXH đã triển khai 222 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận vốn, tiết giảm chi phí đi lại; thực hiện công khai, dân chủ và tăng cường giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và của toàn xã hội trong việc thực hiện tín dụng CSXH. Mặt khác, hồ sơ thủ tục vay vốn của Ngân hàng CSXH đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ của hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác.

Thực hiện Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH, từ tháng 3-2019, Chi nhánh triển khai nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên tối đa 100 triệu đồng/hộ. Chỉ trong thời gian ngắn, Chi nhánh đã thực hiện cho vay mức trên 50 triệu đồng, đạt doanh số gần 5 tỷ đồng với 63 lượt hộ vay vốn để đầu tư phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, điều, cây ăn quả hoặc chăn nuôi bò. Gia tăng nguồn vốn, mở rộng cho vay, nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng không cần bảo đảm tiền vay, Ngân hàng CSXH tỉnh quyết tâm vào cuộc thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 SƠN CA (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm