Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu của người đứng đầu.
Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh (tư liệu) minh họa: Tiến Lực/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ về tổ chức, cơ chế tài chính, quản lý, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ. Đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm nguyên tắc công khai minh bạch và công bằng.
Cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, khuyến khích thương mại hóa và thúc đẩy chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, giải quyết các vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; đề ra các giải pháp giải quyết vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp gỡ vướng trong phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cũng như những vướng mắc về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dạng khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ viện nghiên cứu, trường đại học.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, kết hợp thu hút nguồn lực xã hội đặc biệt là Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Hành lang pháp lý về sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đã được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Khoa học và Công nghệ đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để triển khai đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương, đưa các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ...
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khai thác triệt để kết quả, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học và công nghệ, hoàn thành hành lang pháp lý để đẩy mạnh thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập.
Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN |
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được hình thành và phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Đến nay, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 186 khu không gian làm việc chung, hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cùng với việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thông qua sự hợp tác, hội nhập quốc tế và truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ ngày càng được mở rộng ra các đối tác để cùng phối hợp giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần phục hồi kinh tế, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, năm 2023, ngành khoa học và công nghệ sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp phấn đấu tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 50%.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, góp phần vào cơ cấu lại nền kinh tế và nền công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, không ngừng cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 42 quốc gia hàng đầu thế giới.
Trong năm 2023, Bộ tiếp tục đẩy mạnh việc huy động và đa dạng các nguồn lực để tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ để đến năm 2025 đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2-1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8% -1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%. Đồng thời, đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động, mức độ tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tiếp cận chuẩn mực quốc tế, phấn đấu có từ 25-30 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.
Năm 2023 cũng là năm trọng tâm để Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nguồn lực triển khai có chất lượng và hiệu quả Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 với định hướng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 theo hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 góp phần thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.