Chính trị

Tin tức

Nhiều kết quả tích cực trong công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 5 năm (2013-2018), tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Hướng về cơ sở, người dân
Thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 58-CTr/TU ngày 23-8-2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; đồng thời, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận.
 Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T
Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T
Kết quả, 100% các cấp ủy Đảng tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW phù hợp với tình hình ở đơn vị, địa phương. Trong công tác tuyên truyền, Báo Gia Lai tăng kỳ và số lượng phát hành trung bình gần 11.000 tờ/kỳ, xuất bản Báo ảnh Gia Lai bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Jrai, Bahnar) đến tận thôn, làng và đẩy mạnh tuyên truyền trên Gia Lai điện tử. Trong 5 năm qua, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh cũng đăng tải 1.680 tin, bài, phóng sự về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”; mở rộng diện phủ sóng, nâng cao chất lượng phát sóng các chương trình truyền hình của Trung ương, địa phương, phát sóng các chương trình truyền hình bằng tiếng Jrai và Bahnar. Toàn tỉnh có 43 báo cáo viên cấp tỉnh; cấp ủy Đảng cấp huyện, cơ sở đã bổ sung, kiện toàn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên với 608 báo cáo viên cấp huyện, 8.200 tuyên truyền viên ở cơ sở.
Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận thành văn bản pháp quy và chính sách của tỉnh để triển khai thực hiện; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,79%.
Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được tăng cường và có những đổi mới rõ nét. Từ tháng 8-2017, UBND tỉnh đổi mới hình thức tiếp công dân, không tổ chức định kỳ vào sáng thứ bảy hàng tuần như trước mà tổ chức tiếp công dân chung với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh định kỳ vào ngày 15 hàng tháng tại Trụ sở tiếp công dân. Trong 5 năm qua, trụ sở đã tiếp 14.490 lượt công dân, tiếp nhận 1.222 đơn thư khiếu nại, tố cáo và đã giải quyết 1.101 đơn (đạt 90%). Công tác cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tại trụ sở UBND của 17/17 huyện, thị xã, thành phố và 92/222 xã đã triển khai mô hình một cửa điện tử hiện đại; 20/20 sở, ban, ngành, 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện, 181/222 đơn vị hành chính cấp xã công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Toàn tỉnh đã cung cấp hơn 1.492 thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ 2; 346 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 52 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy, Khối Dân vận cơ sở, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội các cấp được củng cố, kiện toàn và có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện 1.378 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó có 501 mô hình về phát triển kinh tế, 578 mô hình về văn hóa-xã hội, 137 mô hình về đảm bảo quốc phòng-an ninh, 162 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị... Nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa, tạo động lực, cổ vũ, động viên nhân dân hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Các đơn vị cũng thực hiện có hiệu quả chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy: “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”. 
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận thường xuyên được quan tâm. Tổ dân vận được thành lập và hoạt động khá tốt ở 1.260/1.260 thôn, làng, tổ dân phố; 222/222 xã, phường, thị trấn thành lập khối dân vận theo hướng dẫn của Trung ương; đội ngũ cán bộ Ban Dân vận cấp huyện có 68 người, bình quân 4 người/đơn vị; có 8 huyện bố trí chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận
Tuy nhiên, hiện nay, công tác dân vận của một số cấp ủy, chính quyền các cấp vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 25-NQ/TW chưa thật sự sâu rộng; một số xã chưa ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện, chưa bám sát thực tiễn. Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trên một số lĩnh vực vẫn còn; công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình cơ sở có lúc còn chậm; công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là ở cơ sở, vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở một số nơi còn mang tính hình thức; công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến chưa được nhân ra diện rộng.
Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết 25 ngày càng sâu rộng, thiết nghĩ cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác dân vận, coi dân vận là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội phải nắm vững Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận. Bên cạnh đó, mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân; các tổ chức trong hệ thống chính trị phải hướng về cơ sở, thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của mình; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ từ thực tiễn, gắn với chăm lo, giải quyết kịp thời lợi ích chính đáng của nhân dân. Cuối cùng là không ngừng củng cố tổ chức bộ máy Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; nâng cao trình độ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 25, qua đó bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót.
 Rmah HNain

Có thể bạn quan tâm