(GLO)- Kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai lần thứ 5-khóa X lần đầu tiên triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh do HĐND tỉnh bầu hoặc bổ nhiệm. Đây được coi là việc làm mới, là cơ sở đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của người đại biểu HĐND. Phóng viên GLO đã ghi lại một số ý kiến thể hiện sự mong mỏi của đại biểu cũng như cử tri về việc làm này.
Ông Trần Cao Nguyên-Bí thư Huyện ủy Kông Chro: Là cơ hội nhìn nhận lại bản thân và phấn đấu tốt hơn
Việc lấy phiếu tín nhiệm là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với các đại biểu HĐND. Đây cũng là lần đầu tiên triển khai, rất mới mẻ.
Tôi nghĩ rằng, qua những quán triệt và sự chuẩn bị chu đáo, trong kỳ họp lần này, tất cả những đại biểu đều sẽ thể hiện được trách nhiệm khi cầm lá phiếu tín nhiệm đối với đồng chí của mình. Tôi kỳ vọng sau kỳ lấy phiếu lần này, tất cả đại biểu HĐND các cấp được lấy phiếu tín nhiệm một lần nữa tự xem xét lại bản thân, và chắc chắn các đồng chí ấy sẽ có định hướng tốt nhất cho mình trong hoạt động lãnh đạo trong thời gian tới.
Ông Lương Thanh Đức-Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Đại biểu cần đánh giá công tâm, khách quan
Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp HĐND lần này thể hiện sự tiến bộ, dân chủ trong quản lý Nhà nước và quản lý xã hội. Tôi rất mong các đại biểu trên tinh thần trách nhiệm cao, bỏ lá phiếu thật chính xác để đánh giá năng lực của từng đại biểu do HĐND bầu. Năng lực đó thể hiện qua việc hoàn thành công việc theo các chức trách đã quy định, qua sự quan tâm đến đời sống nhân dân nói chung.
Đại biểu phải công tâm, khách quan, vô tư, đánh giá các chức danh trên năng lực, khả năng làm việc. Tôi nghĩ, trong công việc cũng có những lúc chúng ta không vừa lòng nhau nhưng tất cả phải vì công việc chung, vì sự phát triển chung chứ không phải dựa vào một lý do chủ quan nào đó mà đánh giá không công tâm, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của người khác…
Chị Ksor H’Huen-Đoàn Đại biểu HĐND huyện Chư Pưh: Quan trọng là hiệu quả và sự cống hiến của người được lấy phiếu tín nhiệm tới đâu
Theo tôi, quan điểm tín nhiệm thấp, tín nhiệm hay tín nhiệm cao không phải là vấn đề quan trọng, vấn đề cốt lõi nhất ở đây chính là mức bản thân mỗi người cán bộ HĐND tỉnh bầu hoàn thành công việc, trách nhiệm của mình đối với cử tri tỉnh nhà như thế nào cũng như sự điều hành, lãnh đạo sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trong quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, chúng ta nên thông qua việc lấy thêm ý kiến của cử tri nơi cư trú, quá trình đánh giá các kết quả của các đồng chí lấy phiếu tín nhiệm cũng nên đánh giá kỹ hơn, cả về ưu-khuyết điểm, thậm chí là phương hướng khắc phục của bản thân các đồng chí ấy.
Ông Lê Trung Thiệu-cán bộ hưu trí (tổ 6-phường Tây Sơn-TP. Pleiku): Đây là việc làm cần thiết
Đây là việc Quốc hội đã làm, một số tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã triển khai thực hiện. Tôi thấy đây là việc làm rất cần thiết để đánh giá và xây dựng cán bộ của chúng ta.
Tôi cho rằng, nếu đại biểu nào có tỷ lệ cao về số “phiếu tín nhiệm cao” hoặc “tín nhiệm” cũng không nên tự mãn, tự hài lòng mà trên cơ sở đó phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, phát huy những gì đã đạt được. Ngược lại, những đồng chí có tỷ lệ cao “số phiếu tín nhiệm thấp” thì càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo được niềm tin trong đại biểu cũng như nhân dân.
Lê Hòa-Hồng Thi (thực hiện)