Kinh tế

Tài chính

Nhiều người vùng sâu khốn đốn vì "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng người dân tại một số buôn làng vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Pa, Gia Lai “đói vốn”, phải đi vay tư thương, đại lý kinh doanh nông sản với lãi suất cao vẫn diễn ra khá phổ biến dù đã được tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Khó khăn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cũng chính là cơ hội béo bở cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.
“Đói vốn” sản xuất 
Cứ vào đầu vụ sản xuất, một số bà con dân tộc Jrai ở các buôn làng vùng sâu huyện Krông Pa lại phải vay “nóng” tại các đại lý phân bón, nông sản với lãi suất rất cao. Các hộ vay với nhiều hình thức như: bằng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc bằng tiền mặt. Chị Ksor H'Nhuy (buôn Rok, xã Chư Gu) cho biết, năm ngoái, gia đình chị vay 20 triệu đồng đến bây giờ vẫn chưa trả hết. “Vì thiếu vốn nên mình phải mua nợ phân bón, thuốc diệt cỏ. Ngoài ra, đau bệnh mình cũng phải đi vay tiền, nhà hết gạo cũng phải đi vay gạo. Khi nào thu hoạch mì thì mình mới có tiền trả, không hết thì năm sau trả tiếp”. Cái vòng lẩn quẩn nợ cũ chưa trả hết lại tiếp tục nợ mới cứ bám riết lấy những gia đình khó khăn như chị H'Nhuy. Vì thế, việc vay vốn của các đại lý, tư thương với lãi suất cao theo hình thức “ứng trước trả sau” nếu các hộ dân đồng ý bán nông sản làm ra cho người cho vay trở nên phổ biến.
 Tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm hạn chế tín dụng đen trong vùng đồng bao dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyên Bình
Tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm hạn chế tín dụng đen trong vùng đồng bao dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyên Bình
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền về tác hại khôn lường của “tín dụng đen”, đồng thời tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phải tìm đến nguồn vay bên ngoài với lãi suất cắt cổ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông Nay Soa (buôn Kơ Nia, xã Ia Rmok) cho biết: “Nhà nước có tạo điều kiện cho bà con vay vốn nhưng nhiều khi cũng phải vay bên ngoài để làm ăn vì đơn giản, thủ tục nhanh gọn. Vừa rồi, mình có làm hồ sơ vay vốn ngân hàng nhưng không kịp nên phải vay ngoài 5 triệu đồng mua phân bón đầu tư rẫy mì với lãi suất 25%/năm”.
Bà Rơ Châm H'Tách (buôn Lao, xã Chư Gu) cũng cho biết, bà cũng tìm đến “tín dụng đen” do thủ tục nhanh gọn, cần là có ngay mà không phải thế chấp bất cứ tài sản gì ngoài việc ký hoặc lăn vân tay vào sổ nợ của tư thương. Nhiều người trong buôn Lao cũng chọn giải pháp này để giải quyết khó khăn trước mắt, người ít thì vài triệu đồng, có khi lên đến vài trăm triệu đồng và trở thành con nợ dài hạn của “tín dụng đen”. “Mình vay 1 triệu đồng thì mỗi tháng phải trả lãi 30 ngàn đồng, có chỗ thì lãi cao hơn, tới 40 ngàn đồng/triệu đồng. Nếu mì được giá, được mùa thì còn có khả năng trả bớt tiền gốc, tiền lãi nhưng nhiều gia đình không thu được mì, không có tiền trả lãi nên phải bán bò, có khi bán hết đất mà chưa trả được nợ”-bà H'Tách nói.
Gánh nặng nợ nần
Chấp nhận vay vốn lãi suất cao để đầu tư sản xuất, trang trải sinh hoạt nhưng sau những mùa vụ thất bát, không có tiền trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, phải gán đất, gán nhà để trả nợ. Có hộ trắng tay buộc phải làm thuê trên đất của chính mình là câu chuyện buồn vẫn đang diễn ra ở các buôn làng vùng sâu của huyện Krông Pa.
Nhiều năm nay, cái nghèo vẫn cứ bám lấy gia đình ông Ksor Dư (buôn Thiêm, xã Phú Cần), nhất là khi nông sản thu hoạch bán đi không đủ để trả lãi cho tư thương. Với khoản vay ban đầu chỉ là 40 triệu đồng nhưng sau 2 năm, lãi mẹ đẻ lãi con, khoản tiền gia đình ông phải trả đã lên tới gần 90 triệu đồng. Không thể kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy, gia đình ông buộc phải gán mảnh đất rẫy duy nhất để trả nợ. Ông Dư buồn rầu cho biết: “Năm 2014, mình vay có 10 triệu đồng thôi, đến năm 2015 vay 30 triệu đồng nữa, cuối cùng không có tiền để trả. Đến năm 2016, do không có khả năng trả nợ nên mình phải gán đất. Lúc này, cả gốc lẫn lãi là 89,8 triệu đồng”.
Xây được ngôi nhà mới khang trang lẽ ra gia đình ông A Lê Tuy (buôn Thiêm, xã Phú Cần) phải rất vui mừng. Thế nhưng, ông cho biết, trong tổng kinh phí 400 triệu đồng, ngoài việc đi vay người thân, vợ chồng ông phải vay nợ của tư thương 150 triệu đồng với lãi suất 30%/năm, tức phải trả lãi là 45 triệu đồng/năm. Ông nhẩm tính một năm thu nhập cao nhất của gia đình chưa đến 70 triệu đồng thì với số nợ gốc, cộng lãi quá lớn như vậy, không biết bao giờ mới trả hết được.
Đại úy Trần Xuân Hoàng-Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa-cho biết: “Qua khảo sát của lực lượng chức năng, trên địa bàn huyện có 88 hộ cho 3.035 hộ người dân tộc thiểu số vay với số tiền hơn 80 tỷ đồng. Các hộ vay với lãi suất từ 2% đến 4%/tháng, tính ra lãi suất từ 24% đến 48%/năm. Liên quan đến 88 hộ cho vay lãi suất cao, chúng tôi đã tổ chức gọi hỏi, răn đe, yêu cầu họ khoanh nợ, không được tính lãi suất cao. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các hộ này cam kết không tiếp tục cho vay lãi suất cao”.
Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm