Pháp luật

Nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng ngân sách và đầu tư xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua công tác thanh tra cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót dẫn đến sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản tại một số địa phương trong tỉnh Gia Lai.

Trong năm 2022, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 110 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 15 cuộc thanh tra đột xuất về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách; đầu tư, mua sắm các dự án phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin; kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phân lô bán nền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… tại 352 đơn vị; đã kết thúc và kết luận 103 cuộc tại 324 đơn vị. Qua đó, ngành Thanh tra đã phát hiện sai phạm về tài chính tại 210 đơn vị với tổng số tiền hơn 33,69 tỷ đồng.

Điển hình như qua thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và công tác đầu tư xây dựng tại huyện Phú Thiện giai đoạn 2017-2021 thì trong số 39 trường học bị thanh tra có đến 31 trường sai phạm; thanh tra 24 công trình tại 9 xã thì có 16 công trình sai phạm với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Còn trong 3 tháng đầu năm 2023, qua công tác thanh tra hành chính về chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và công tác đầu tư xây dựng; việc hoạt động kinh doanh; việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích… ngành Thanh tra cũng đã phát hiện 26 đơn vị sai phạm với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.

Từ kết quả thanh tra trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển hồ sơ 7 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, trên cơ sở kiến nghị của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã kịp thời chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 39 tập thể, 238 cá nhân liên quan đến các sai phạm.

Qua phân tích của Thanh tra tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế dẫn đến những sai phạm trên là do cấp ủy, chính quyền một số huyện, xã, trường học còn coi nhẹ công tác quản lý tài chính ngân sách, chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm; đội ngũ cán bộ tài chính ngân sách xã, trường học và các phòng, ban chuyên môn ở một số đơn vị năng lực còn yếu; việc triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài chính ngân sách chưa thường xuyên…

Để hạn chế những sai phạm, ông Nguyễn Quý Thọ-Phó Chánh Thanh tra tỉnh-đề xuất: Thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài chính và công tác đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý và sử dụng ngân sách. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác quản lý ngân sách; thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai minh bạch trong thu, chi tài chính theo đúng chế độ, chính sách.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát lại đội ngũ kế toán xã, trường học và phòng, ban chuyên môn đảm bảo đủ trình độ, năng lực. Tăng cường hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý tài chính để cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, quy định mới của Nhà nước cho đội ngũ lãnh đạo và kế toán. Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của ban thanh tra nhân dân và sự giám sát của cộng đồng, trong đó tập trung vào các chương trình mục tiêu do xã quản lý, chế độ chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên và học sinh, các khoản huy động, đóng góp trong dân. Đối với những trường hợp vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm minh.

Có thể bạn quan tâm