Du lịch

Hành trang lữ hành

Nhiều tour ưu đãi tại Lễ hội Du lịch Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chào mừng SEA Games 31, tối 13/5, tại vườn hoa Lý Thái Tổ và phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội đã khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu”.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Đăng Khoa)
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Đăng Khoa)


Với quy mô 150 gian hàng, chia làm 2 khu: Không gian kích cầu du lịch trực tiếp, trực tuyến và không gian giới thiệu làng nghề - ẩm thực Hà Nội, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 là một trong những sự kiện quảng bá du lịch quan trọng nhất của Hà Nội năm nay.

Lễ hội được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng. Bên cạnh áp dụng những phương pháp quảng bá thông qua các gian hàng, các tiểu cảnh về những danh thắng như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Phố cổ Hà Nội, khu vực Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Sơn Tây…, Lễ hội còn có “bức tường công nghệ”.

Tại đó, khách du lịch chỉ cần chạm vào những biểu tượng, màn hình sẽ đưa khách du lịch đến nhiều địa danh du lịch khác nhau. Lễ hội năm nay có sự tham gia của Tổng cục Du lịch Thái Lan và gần 100 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Tổng công ty du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, Công ty Du lịch Vietravel...

Ngoài “chủ nhà” Hà Nội còn có 9 tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch cũng tham gia giới thiệu tiềm năng, các tour du lịch, gồm: Yên Bái, An Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Giang...


 

Du khách trải nghiệm du lịch Hà Nội qua tương tác thực tế ảo. (Ảnh: Đăng Khoa)
Du khách trải nghiệm du lịch Hà Nội qua tương tác thực tế ảo. (Ảnh: Đăng Khoa)



Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 gồm nhiều hoạt động: Giới thiệu sản phẩm kích cầu du lịch của các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương trên cả nước; sản phẩm làng nghề, ẩm thực tiêu biểu; các chương trình nghệ thuật hấp dẫn.

Đến với lễ hội, khách tham quan có thể tìm kiếm nhiều tour ưu đãi nằm trong chương trình kích cầu du lịch của thành phố cũng như những tour kích cầu của các tỉnh, thành phố tham gia Lễ hội. Bên cạnh tìm hiểu các tour, khách tham quan còn được khám phá một số sản phẩm làng nghề truyền thống như sơn mài mỹ thuật, sừng mỹ nghệ Thụy Ứng, thêu tay truyền thống; món ăn đặc trưng của Hà Nội như: Bánh cuốn Thanh Trì, nem Phùng, bánh tẻ Sơn Tây, bánh cốm hàng than, trà sen Hồ Tây…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Du lịch ngày càng được xem là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng vai trò tích cực vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Vì vậy, thành phố Hà Nội mong mỗi người dân Thủ đô nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn phòng chống dịch; đồng thời xác định mình là một tuyên truyền viên trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Hà Nội đến với du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội diễn ra đến hết ngày 15/5.

Theo GIANG NAM (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm