Kinh tế

Nhiều vi phạm liên quan đến tem, nhãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm chấn chỉnh và kiểm soát tình trạng đồ chơi trẻ em kém chất lượng, gây độc hại được bày bán tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đã tổ chức đợt thanh tra chất lượng đồ chơi trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Bước đầu qua kiểm tra đã phát hiện nhiều bất cập, vi phạm chủ yếu liên quan đến tem, nhãn và giấy chứng nhận hợp quy.

Đồ chơi nội đơn điệu

Thực tế kiểm tra tại nhiều nhà sách, siêu thị trên địa bàn TP. Pleiku như Nhà sách Thanh Niên, Siêu thị văn hóa, Nhà sách Nhân dân, Siêu thị Co.op Mart Pleiku… cho thấy đồ chơi trẻ em bày bán tuy khá nhiều về số lượng nhưng lại kém phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, ít có mặt hàng kỹ thuật cao. Các mặt hàng này ít thu hút khách hàng, nhất là đối với những khách hàng trẻ em. Kiểm tra tại Nhà sách Thanh Niên (TP. Pleiku), hầu như mặt hàng đồ chơi trẻ em được bày bán trong nhà sách chủ yếu là hàng sản xuất tại Việt Nam (phần lớn là của nhà sản xuất Nhựa Chợ Lớn ở TP. Hồ Chí Minh).

“Vẫn biết hàng Việt khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng nhưng hàng nhập ngoại có tem nhãn, đầy đủ tem hợp quy, giấy chứng nhận hợp quy, đảm bảo chất lượng thì giá quá cao, bán chậm. Riêng mặt hàng Trung Quốc vì lo ngại chất lượng không đảm bảo nên công ty không nhập về”-ông Nguyễn Bá Cường-Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai (đơn vị kinh doanh nhà sách Thanh Niên) băn khoăn.
 

Thanh tra chất lượng đồ chơi tại nhà sách Fahasa. Ảnh: L.L
Thanh tra chất lượng đồ chơi tại nhà sách Fahasa. Ảnh: L.L

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng-Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Phó Trưởng đoàn thanh tra cho rằng, thực tế không cấm nhập hàng Trung Quốc, nếu hàng đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc có đầy đủ giấy tờ, tem nhãn, giấy chứng nhận thì các đơn vị kinh doanh vẫn có thể nhập về để bán bình thường.

Đồ chơi ngoại nhập “thiếu” tem, nhãn

Khác với nhà sách Thanh Niên, các mặt hàng bày bán tại Nhà sách Fahasa khá phong phú, đa dạng chủng loại, từ hàng nội đến ngoại nhập. Tuy nhiên, qua kiểm tra Đoàn thanh tra liên ngành phát hiện một số mặt hàng nhập khẩu trưng bày trên kệ không được dán tem, nhãn đầy đủ hoặc có dán nhưng tem phụ không dịch hết ý nghĩa của phần cảnh báo. Chẳng hạn, mặt hàng vòng quay vô cực (có xuất xứ Trung Quốc), tem phụ chỉ dịch một nửa phần cảnh báo: “Đồ chơi có các chi tiết nhỏ không được để trẻ em dưới 3 tuổi chơi”, mà “quên” dịch phần cảnh báo về tốc độ như vòng quay vô cực khi quay có tốc độ lớn thì trẻ em dưới 8 tuổi phải tránh xa.

Đáng nói là tại một số cửa hàng tư nhân (thuê mặt bằng tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku) tình trạng vi phạm nhãn mác khá phổ biến, nhiều mặt hàng nhập không dán tem hợp quy, trong đó mặt hàng xe ô tô đồ chơi và vòng quay vô cực (xuất xứ Trung Quốc) chiếm tỷ lệ khá lớn. Đoàn đã tạm giữ trên 40 sản phẩm không có tem hợp quy và giấy chứng nhận hợp quy. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở kinh doanh trên cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan.

Không chỉ vi phạm liên quan đến nhãn mác, tem và giấy chứng nhận hợp quy, Đoàn thanh tra còn phát hiện một số mặt hàng thực chất là đồ chơi trẻ em nhưng lại “lách luật” ghi là đồ lưu niệm hoặc đồ trang trí. Trong thời gian tới đoàn con tiếp tục thanh tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm