Pháp luật

Nhìn lại những đại án năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2023, hàng loạt vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thu hút sự chú ý của dư luận đã được phanh phui và đưa ra xét xử. Nổi bật như vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đại án Cty Việt Á và khép lại những ngày cuối năm là phiên phúc thẩm vụ án “Chuyến bay giải cứu”.
Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long

Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long

Kỷ lục về số tiền đưa - nhận hối lộ

Tháng 12/2023, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị can trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị liên quan.

Trong số 86 bị can, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Nữ đại gia này bị cáo buộc sử dụng hệ sinh thái khoảng 1.000 công ty để lập khống các hợp đồng tín dụng, rồi rút 1 triệu tỷ đồng ra khỏi Ngân hàng SCB, từ đó chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng tiêu dùng cá nhân.

Để che đậy hành vi phạm tội, bà Trương Mỹ Lan đã chi rất nhiều tiền và quà tặng giá trị cho toàn bộ 18 thành viên đoàn thanh tra, trong đó “lót tay” bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng). Cơ quan chức năng đánh giá, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.

Để che đậy hành vi phạm tội, bà Trương Mỹ Lan đã chi rất nhiều tiền và quà tặng giá trị cho toàn bộ 18 thành viên đoàn thanh tra, trong đó “lót tay” bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng).

Bà Trương Mỹ Lan khi chưa bị bắt

Bà Trương Mỹ Lan khi chưa bị bắt

3 cựu Ủy viên Trung ương hầu tòa đại án Việt Á

TAND TP Hà Nội chuẩn bị xét xử 3 cựu Ủy viên Trung ương gồm: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng và 36 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan. Phiên tòa dự kiến khai mạc sáng 3/1/2024 và kéo dài liên tục trong khoảng 20 ngày (không kể ngày nghỉ).

Đầu năm 2020, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật là đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ KH&CN) để công ty này được Bộ KH&CN phê duyệt tham gia phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài kit xét nghiệm.

Quá trình Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ kít xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế) đã thông qua thư ký của mình để gợi ý và được Phan Quốc Việt đưa hối lộ tổng số tiền 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51,1 tỷ đồng).

Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn chi tiền cảm ơn ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý nguyên một Phó Thủ tướng) 200.000 USD; chi cho ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KHCN) 200.000 USD và biếu xén khoản tiền lớn cho một số quan chức Bộ Y tế, Bộ KHCN, CDC các địa phương…

Ngày 27/12/2023, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội cũng mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo có vi phạm liên quan Công ty Việt Á. Trong đó, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn (cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y, Chủ nhiệm đề tài Kit test COVID-19) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ông Sơn bị cáo buộc nhận 2,5 tỷ đồng của Phan Quốc Việt và hưởng lợi 2,1 tỷ đồng từ việc bán bông tăm “chọc mũi”, vật tư cho Cty Việt Á.

Quá trình Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ kít xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế) đã thông qua thư ký của mình để gợi ý và được Phan Quốc Việt đưa hối lộ tổng số tiền 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51,1 tỷ đồng).

Bị cáo Hoàng Văn Hưng nhận tội tại phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo Hoàng Văn Hưng nhận tội tại phiên tòa phúc thẩm

Chuyến bay giải cứu và “Cú quay xe” của cựu điều tra viên trước phiên phúc thẩm

Vụ án “Chuyến bay giải cứu” lần đầu được đưa ra xét xử vào tháng 7/2023. Trong vụ án có 25 bị cáo là các quan chức cấp cao, cán bộ được giao trọng trách thực hiện xét duyệt hồ sơ các chuyến bay combo đưa công dân về nước đã cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn để nhận hối lộ của các doanh nghiệp với tổng số tiền gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng…

Tại phiên tòa sơ thẩm, các cựu quan chức là bị cáo trong vụ án đã thể hiện sự ân hận, sám hối xin được hưởng khoan hồng. Duy chỉ bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) kêu oan.

Tại phiên tòa sơ thẩm, phần đối đáp “căng như dây đàn” giữa bị cáo Hưng và các bị cáo, luật sư, đại diện viện kiểm sát về “chiếc cặp số đựng 450.000 USD chạy án hay 4 chai rượu vang” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau bản án sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng có đơn kháng cáo kêu oan.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 21 bị cáo diễn ra ngày 25/12/2023, bị cáo Hưng đã bất ngờ nhận tội và nói: “Hôm nay, bị cáo mong HĐXX, đại diện Viện kiểm sát xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt để bị cáo được sớm trở về làm nghĩa vụ với gia đình, xã hội”.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cùng các bị can trong vụ án
Chủ tịch Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cùng các bị can trong vụ án

Cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa đảo hơn 8.000 tỷ đồng; vụ FLC sắp xét xử...

Tháng 11/2023, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố bị can Đỗ Anh Dũng (SN 1961, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 14 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, ông Đỗ Anh Dũng cùng con trai và nhóm thuộc cấp mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, số tiền huy động được đã bị ông Dũng chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng.

Vụ án liên quan đến Công ty cổ phần tập đoàn FLC cũng đã kết thúc điều tra vào tháng 10/2023, dự kiến sẽ được đưa ra xét xử trong năm 2024. Ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) bị cáo buộc chỉ đạo em gái và các đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng; “thổi vốn” để nâng giá trị của Cty CP Xây dựng Faros trên sàn chứng khoán, từ đó chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Đây là vụ án điển hình, nổi bật trong việc thao túng thị trường chứng khoán.

Trong năm 2023, TAND TP Hà Nội cũng xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn vẫn bị đưa ra xét xử về các tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thể hiện được quyết tâm trong phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương cũng là vụ án điển hình trong năm 2023, với những sai phạm có tính hệ thống và kéo dài. Cơ quan điều tra đã khởi tố 114 vụ án, liên quan đến 808 người ở 49 địa phương.

Có thể bạn quan tâm