Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Nhìn lại những dấu ấn công nghệ từ 'đế chế' của Jack Ma

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước khi bị chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát, tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma là một trong những 'gã khổng lồ' công nghệ hàng đầu châu Á.

Không tự giới hạn mình trong địa hạt thương mại, tập đoàn Alibaba ra sức đầu tư vào các ngành như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Không tự giới hạn mình trong địa hạt thương mại, tập đoàn Alibaba ra sức đầu tư vào các ngành như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Tương lai của tập đoàn Alibaba hiện nay vẫn là một câu hỏi lớn. Hồi cuối năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành điều tra đế chế nghìn tỉ USD của ông Jack Ma vì vi phạm luật chống độc quyền. Đầu năm nay, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm 9 công ty Trung Quốc bao gồm Xiaomi, dư luận đồn đoán Alibaba sẽ là đối tượng tiếp theo có nguy cơ bị đưa vào "danh sách đen". 
Dù vậy, không thể phủ nhận tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc từng đạt được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ. Trong một hội nghị tổ chức ở Hàng Châu (Trung Quốc), đại diện của Alibaba phát biểu: "Chúng tôi đã rất thành công về mặt kinh doanh, khôn ngoan về thương mại, các thành tích đó có xu hướng làm lu mờ những gì chúng tôi đã gặt hái được trên mặt trận công nghệ”. Thật vậy, chỉ tính riêng ở Trung Quốc, Alibaba nằm trong bộ ba “đại gia” công nghệ BAT, viết tắt của Baidu, Alibaba và Tencent.

Công nghệ điện toán đám mây của Alibaba hiện đang đứng thứ 5 trên thế giới ẢNH: ALIBABA
Công nghệ điện toán đám mây của Alibaba hiện đang đứng thứ 5 trên thế giới ẢNH: ALIBABA
Đối với Alibaba, hoạt động kinh doanh và cách tân công nghệ luôn hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Khởi đầu sự nghiệp dựa trên các nền tảng giao dịch B2B, B2C và C2C, Tập đoàn Alibaba dần lấn sân sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và nỗ lực tìm cách ứng dụng công nghệ này vào các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, giải trí và hậu cần (logistics). Dưới sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc, tập đoàn Alibaba đã rót vốn đầu tư vào các start-up công nghệ cũng như mở phòng nghiên cứu dành cho các lĩnh vực như học máy (machine learning), an ninh mạng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên...
Song song đó, thông tin khách hàng được thu thập từ các website mua sắm như Taobao, AliExpress lại giúp Alibaba xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ để AI học tập. Gần như mọi hoạt động cơ bản trên các nền tảng thương mại của Alibaba đều có AI tham gia, chẳng hạn AI trên Tmall sẽ đề xuất sản phẩm cho người dùng dựa trên lịch sử tìm kiếm của họ và tự động liên hệ với các nhà bán lẻ để tăng trữ lượng hàng hóa theo nhu cầu. Các chatbot thông minh thì có nhiệm vụ tư vấn, trả lời thắc mắc của khách hàng. Tập đoàn này cũng mạnh tay chi hàng tỉ USD cho hậu cần, cụ thể là xây dựng kho hàng thông minh với đội ngũ robot vận chuyển và drone giao hàng.

Robot vận chuyển trong kho hàng là sản phẩm của công ty Cainiao ẢNH: CAINIAO
Robot vận chuyển trong kho hàng là sản phẩm của công ty Cainiao ẢNH: CAINIAO
Đầu năm 2019, "gã khổng lồ" thương mại điện tử tiếp tục vươn sang lĩnh vực khách sạn bằng cách khai trương khách sạn FlyZoo vận hành hoàn toàn bằng công nghệ. Khách hàng sẽ thanh toán bằng ứng dụng di động do Alibaba cung cấp, dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt do Alibaba phát triển để nhận phòng và được các nhân viên robot do Alibaba chế tạo phục vụ. Trong mỗi phòng lại trang bị trợ lý ảo AliGenie sử dụng kèm loa thông minh Tmall Genie, giúp khách hàng thực hiện các tác vụ như bật tắc đèn, điều chỉnh nhiệt độ, mở TV và cửa sổ bằng giọng nói. Và như thế họ đã hoàn toàn ở trong hệ sinh thái công nghệ của Alibaba.
Không dừng lại ở đó, Alibaba hiện sở hữu mạng lưới điện toán đám mây thuộc hàng top thế giới, chỉ sau Amazon, Google, Microsoft và IBM. Năm 2009, công ty con Alibaba Cloud ra mắt nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập tập đoàn mẹ. Alibaba Cloud chuyên cung cấp dịch vụ đám mây cho các doanh nghiệp trực tuyến và trên hệ sinh thái thương mại điện tử của Alibaba. Sau nhiều năm hoạt động, Alibaba Cloud hiện là công ty dịch vụ đám mây lớn nhất tại Trung Quốc với vô số trung tâm dữ liệu rải rác tại 21 vùng miền và tổng số 63 khu vực khả dụng trên toàn cầu.

Một robot phục vụ trong khách sạn FlyZoo ẢNH: ALIBABA
Một robot phục vụ trong khách sạn FlyZoo ẢNH: ALIBABA
Tầm nhìn lâu dài của Alibaba là phát triển dự án City Brain giúp điều hành cả thành phố bằng AI, góp phần giải quyết các vấn đề như an ninh, giao thông... Khi đó, mọi dữ liệu về thành phố và người dân đều được lưu trữ trên đám mây và được xử lý bằng các thuật toán AI. Trang Technology Review nhận định: "Một khi đã thành thạo trong lĩnh vực AI, Trung Quốc sẽ góp phần xác định cách công nghệ này định hình lại thế giới. Và Alibaba chắc chắn sẽ là một phần quan trọng trong bức tranh lớn".
Theo Mai Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm