Nhìn từ… cổ tích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phần lớn du khách khi đến với mỗi vùng đất đều có nhu cầu tìm hiểu về nơi đó. Người muốn tường tận gốc gác lịch sử, văn hóa, lại có người muốn biết đôi ba địa danh liên quan. Pleiku xưa là rừng và chứa đựng nhiều cổ tích. Vậy, những cổ tích ấy ngày nay đã được sử dụng cho mục đích du lịch như thế nào?
Theo một số tài liệu, Pleiku ngày nay cho đến những năm đầu của thế kỷ XX chỉ đơn sơ mấy làng người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các địa danh hiện hữu của Phố núi có thể gợi ra nhiều điều thú vị, nhất là đối với các du khách lần đầu đặt chân đến. 
Pleiku có ít nhất 2 địa danh nổi tiếng hiện đều được Việt hóa thành những cái tên không phải độc nhất nhưng thực sự đẹp. Đó là Hàm Rồng và Biển Hồ. Nếu hướng dẫn viên giải thích cho du khách núi Hàm Rồng là hàm con rồng (như ở tỉnh Thanh Hóa) thì không ổn. Tương tự, Biển Hồ quả đúng là “hồ to như biển”, nhưng nếu chỉ cung cấp thông tin cho khách du lịch có vậy thì cũng chưa đủ. Vì sao? Vì Pleiku là nơi cư dân bản địa cư trú từ xa xưa nên các địa danh đương nhiên phải có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống của các cộng đồng này.
Hàm Rồng Pleiku được người Jrai gọi là Chư Hơdrông. Theo đó, chư/chứ có nghĩa là núi, còn Hơdrông là tên riêng. Các cộng đồng Bahnar quanh vùng cũng gọi núi này là Kông Hơdrông. Kông là núi. Hơdrông là một danh từ cổ, chỉ còn thấy sót lại trong sử thi và lời nói vần Bahnar. Giải thích nguồn gốc tên gọi ngọn núi này, người Bahnar sở hữu câu chuyện liên quan đến công cuộc diệt trừ loại sâu hung bạo đến phá hoại mùa màng. Con sâu (hơdrông) khổng lồ cuối cùng bị giết chết trong trận chiến dai dẳng ấy nằm phủ phục dưới đất, lâu dần hóa thành núi Hàm Rồng ngày nay. 
Một số truyện tranh phục vụ du lịch được xuất bản gần đây. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một số truyện tranh phục vụ du lịch được xuất bản gần đây. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Biển Hồ thường được viết là Tơ Nưng, Ia Nueng… Chưa rõ Tơ Nưng nghĩa là gì nhưng dòng Ia Nueng thì đến nay vẫn còn hiện hữu. Ia tiếng Jrai là nước/suối, Nueng là tên riêng. Có nhiều hơn một sự tích liên quan đến nơi vốn là miệng núi lửa này. Người ta kể rằng mặt đất đang bình yên bỗng sụp xuống vì có người dâng cúng sai lễ vật cho Yàng (thần linh). Phổ biến hơn là câu chuyện yă (bà) Chao và con heo trắng ăn cát cùng lời hẹn ước nếu bà ăn thịt con vật yêu quý này thì đất dưới chân sẽ sụp xuống.
Địa danh thứ 3 không Việt hóa nhưng đã nổi tiếng là Pleiku. Du khách lần đầu đến thành phố không thể không tò mò muốn biết nguồn gốc tên gọi này. Có câu chuyện cắt nghĩa rằng, theo tiếng Jrai, plei là làng, còn ku/aku là đuôi, cái đuôi. Theo đó, địa danh này (đúng hơn, viết thành 2 từ: Plei Ku) gắn với câu chuyện kể về cái đuôi (heo hoặc trâu) mà người ta giành hay có được nhân một lễ cúng xưa.
Ngoài những gì tôi vừa kể và tạm cắt nghĩa ở trên, Pleiku, Biển Hồ và Hàm Rồng có thể còn có cách hiểu khác. Tất nhiên, Pleiku không chỉ có 3 địa danh ấy. Vấn đề đặt ra là: Nếu du khách muốn tìm hiểu nguồn gốc các địa danh kiểu như vừa nêu thì lấy thông tin từ đâu? Được biết, các tài liệu phục vụ cho nhu cầu này vẫn chưa được chính thức biên soạn. Công bằng mà nói, trên thực tế, cũng đã có mấy cuốn sách khá dày dặn, thậm chí song ngữ Việt-Anh dưới dạng “cẩm nang”. Kỳ thực, nội dung bên trong sách lại chỉ giới thiệu cái gì, ở đâu mà thôi…
Cho đến nay, nếu tôi nhớ không nhầm thì ngoại trừ sách Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku, địa phương chưa có công trình nào nghiên cứu sâu, chuyên biệt về lịch sử, văn hóa. Toàn bộ mảng văn hóa dân gian của vùng đất này dường như vẫn đang nằm trong tình trạng chờ đợi dấu chân người khai phá. Theo quan sát của tôi, trong nhiều chục năm qua, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn hóa dân gian ở đây không có bước tiến nào đáng kể. Trong khi, đô thị hóa ở Pleiku ngày càng trở nên mạnh mẽ. Nếu không thực hiện nghiên cứu, sưu tầm thì các giá trị văn hóa truyền thống mai một và có nguy cơ biến mất là đương nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc kho tàng văn hóa dân gian Pleiku sẽ để lại những khoảng trống đáng buồn.
Trong một nỗ lực quảng bá cho du lịch địa phương, kết hợp bảo tồn bản sắc văn hóa tỉnh nhà, tôi từng nhiều lần đề xuất làm truyện tranh về các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung. Những truyện tranh mỏng, nhỏ giải thích địa danh có thể được du khách đọc ngay trong những chuyến trải nghiệm về vùng đất này. Quan trọng hơn, truyện tranh cũng sẽ hướng đến đối tượng trẻ em. Từ nhỏ, được biết về các địa danh của miền đất nơi mình đang sống, chắc chắn khi lớn lên các em sẽ yêu quê hương hơn, lan tỏa tình cảm ấy đến với nhiều người hơn. Ở một góc độ nào đó, nói mỗi người dân là một sứ giả du lịch không hề là lý thuyết trong trường hợp này.
Tôi đã may mắn được xuất bản một số truyện tranh về Vua Lửa, Kon Jrang và Kông Kah King. Vua Lửa thì nhiều người đã biết còn 2 truyện sau là về những địa danh đang dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của địa phương: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Sau khi sách phát hành, tôi đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ nhiều đối tượng độc giả. Hy vọng một ngày không xa, những địa danh quen thuộc như Pleiku, Biển Hồ, Hàm Rồng, Chư Đang Ya, Ia Ly… sẽ trở thành truyện tranh, thành quà tặng trong hành lý khi rời Pleiku sau một kỳ trải nghiệm ý nghĩa của nhiều du khách.
NGUYỄN QUANG TUỆ