TN - Đất & Người

Nhìn vườn điều buồn thảm, nông dân Tây Nguyên nhặt nhạnh bán cho hay thế thôi chứ lời lãi gì đâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ mất mùa thê thảm, năm nay giá điều cũng rớt xuống thấp. Điều này đang khiến nông dân trồng điều tại Tây Nguyên đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, thu thì lỗ, không thu cũng lỗ.
Cám cảnh trồng điều thời thất thu-nhặt hạt điều mỏi gối, buồn thiu
Hơn 20 năm trồng điều, ông Trương Văn Lợi (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chưa bao giờ rơi vào cảnh dở khóc dở cười như năm nay. "Khó khăn đang chồng chất đối với người trồng điều chúng tôi. Mấy chục năm nay, tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh như thế này"- ông Lợi nói.
 
Vườn điều của ông Nguyễn Văn Tiến, (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) năm nay gần như bị mất trắng. Ảnh: Duy Hậu
Vườn điều của ông Nguyễn Văn Tiến, (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) năm nay gần như bị mất trắng. Ảnh: Duy Hậu
"Hầu hết năm nay, cây điều trên địa bàn đều bị mất mùa. Năng suất giảm hơn 2/3 so với mức trung bình trước đây. Nếu năm ngoái, mỗi ha thu 1 tấn thì năm nay chỉ được 3 tạ"- ông Lợi nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Tiến (xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cũng cho biết, năm nay cây điều bị sụt giảm năng suất rất đáng kể. "Nhiều gia đình thậm chí gần như bị mất trắng. Nông dân chúng tôi rất nhiều hộ sống chủ yếu nhờ vào cây điều do gặp hoàn cảnh này sẽ rất khó khăn"- ông Tiến cho biết.
 
Ông Nguyễn Văn Tiến nhặt những hạt điều ít ỏi trong vườn. Ảnh: Duy Hậu
Ông Nguyễn Văn Tiến nhặt những hạt điều ít ỏi trong vườn. Ảnh: Duy Hậu
Bà Hà Thị Ngọ (xã Ea Wen) cũng cho biết: "Năm nay vườn điều nhà tôi gần như mất trắng. Tôi có 3 ha điều, năm ngoái thu được hơn 3 tấn, năm nay chỉ được 1 tấn. Tình trạng mất mùa sâu như thế này trước giờ chưa từng xảy ra".
Tại Đắk Nông, hàng trăm nông dân trồng điều cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Thành Nam (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) có đến 20ha điều. Thế nhưng năm nay ông thậm chí không muốn thu hoạch. 
"Cây điều mất mùa rất sâu. Không chỉ gia đình tôi mà tất cả người dân trong vùng đều rơi vào cảnh tương tự. Năm nay, vườn điều nào cũng bị mất mùa, năng suất giảm rất mạnh so với các năm trước"- ông Nam nói.
 
Ông Lương Khắc Hồng (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) chỉ những hạt điều khô quắt, không phát triển được trong vườn. Ảnh: Duy Hậu
Ông Lương Khắc Hồng (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) chỉ những hạt điều khô quắt, không phát triển được trong vườn. Ảnh: Duy Hậu
Điều đáng buồn hơn, không chỉ mất mùa, giá hạt điều năm nay cũng rớt thê thảm. Hiện hạt điều chỉ được mua ở mức hơn 20 ngàn đồng/kg, thấp hơn năm ngoái từ 3-4 ngàn đồng/kg. Tình trạng này đang khiến người trồng điều ở Tây Nguyên tiến thoái lưỡng nan. "Nếu bây giờ thuê thêm người thu hoạch thì thu không đủ chi. Tính ra mỗi ha phải bù lỗ thêm khoảng 20- 30 triệu đồng"- ông Lợi nói.
Ông Nam thì cho biết, do năng suất cây điều năm nay giảm mạnh nên ông không thu hoạch mà cho người làm vườn thu, thay vào đó ông sẽ không phải trả tiền công cho người làm. Thế nhưng thỏa thuận này không được người làm chấp nhận.
"Năng suất thấp cộng thêm chất lượng hạt điều kém nên người làm không chấp nhận lấy hạt điều thay vì nhận tiền công. Không còn cách nào khác, gia đình tôi phải bù thêm tiền công cho người làm họ mới chịu thu hoạch, dọn dẹp vườn điều"- ông Nam nói.
"Năm nay, 3ha điều của tôi chỉ thu về được khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, năm ngoái tôi thu về hơn 70 triệu đồng. Giá nhân công, vật tư nông nghiệp tăng cao mà giá điều rớt thê thảm khiến chúng tôi rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn"- bà Ngọ nói.
 
Không chỉ mất mùa, năm nay hạt điều còn kém chất lượng, hạt hư hỏng rất nhiều. Ảnh: Duy Hậu
Không chỉ mất mùa, năm nay hạt điều còn kém chất lượng, hạt hư hỏng rất nhiều. Ảnh: Duy Hậu
"Thu không đủ chi, chúng tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu không thu để hạt điều rơi rụng hư hỏng thì tiếc. Mà thuê người đi thu hoạch thì tốn thêm chi phí, tiền bán hạt điều chẳng đủ trả tiền công"- ông Tiến nói.
Trời không thương nông dân trồng điều!
Theo hầu hết người dân trồng điều, lý do vụ điều năm nay mất mùa là do thời tiết. "Thời tiết thay đổi khác thường khiến sâu bệnh bùng phát và tỷ lệ đậu trái của cây điều rất thấp"- ông Nam nói.
"Khi cây điều đang ra hoa thì gặp mưa bất thường. Do đó, hoa điều bị khô hết không thể đậu quả được"- bà Ngọ nói với chúng tôi.
Hầu hết nông dân trồng điều khác cũng cho biết, vào thời điểm cây điều đang ra hoa rộ (khoảng đầu năm âm lịch) thì tại Tây Nguyên xuất hiện mưa trái mùa. Tình trạng này đã khiến một phần hoa bị rụng, phần khác thì khô quắt lại không đậu quả được.
 
So với năm trước, giá hạt điều năm nay cũng rớt thê thảm. Ảnh: Duy Hậu
So với năm trước, giá hạt điều năm nay cũng rớt thê thảm. Ảnh: Duy Hậu
"Thông thường vào khoảng tháng 11 thì thời tiết hết mưa. Sau thời điểm này, cây điều bắt đầu ra hoa và nở rộ vào khoảng tháng 1 hàng năm. Nhưng năm nay trời không thương, ngay lúc cây điều ra hoa rộ thì trời bất ngờ có mưa. 20 năm trồng điều, lần đầu tiên tôi gặp hoàn cảnh này"- ông Lợi buồn bã nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số vùng của các huyện Cư Jút, Tuy Đức, Đắk R'lấp (tỉnh Đắk Nông) và Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) có hàng ngàn gia đình chuyên canh cây điều với tổng diện tích khoảng gần 50 ngàn ha. Thu nhập chính của họ đều trông chờ vào vụ điều.
Vì vậy, tình trạng cây điều mất mùa, rớt giá đã khiến rất nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Bà Trần Thị Thuỷ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Buôn Đôn, cho biết: "Năm nay thời tiết bất thường, trước tết đã có trận mưa làm vụ điều mất trắng. Trong tháng 3 vừa rồi lại có thêm mấy cơn mưa nữa nên năng suất cây điều tiếp tục giảm".
"Với năng suất và giá như năm nay, sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón, hầu như bà con không có lãi. Người dân thường có thói quen khi được mùa, được giá không sao nhưng khi mất mùa kéo dài thì chặt bỏ. Tuy nhiên, cây điều vẫn là cây chủ lực của nhiều vùng trong huyện. Do đó, chúng tôi khuyến cáo bà con cần giữ lại"- bà Thủy nói thêm.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)
https://danviet.vn/nong-dan-tay-nguyen-nhat-nhanh-hat-dieu-mat-mua-ban-cho-hay-the-thoi-chu-loi-lai-gi-20220428101102741.htm

Có thể bạn quan tâm