Điểm đến Gia Lai

Nhớ bok Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người và nhiều hãng thông tấn báo chí chụp ảnh Anh hùng Núp. Trong đó, bức ảnh “Bok Núp” của anh Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) được nhận xét là một trong những bức chân dung đẹp nhất.

1. Tác phẩm khắc họa cụ già râu dài như tiên ông, nụ cười nhẹ và vầng trán cao. Đúng như nhà văn Nguyên Ngọc từng miêu tả trong tác phẩm “Núp-Già làng của Tây Nguyên”: “Có lẽ ông là một trong những cụ già đẹp nhất của nước ta trong mấy mươi năm trở lại đây. Cường tráng, lẫm liệt, quắc thước như một vị tướng, mà vẫn cứ phúc hậu, thong dong như một ông tiên. Cặp mắt cười dễ dãi ngây thơ như trẻ con và vầng trán thì thanh cao như một nhà hiền triết”.

Không biết anh Nguyễn Quang Tuệ có đọc những dòng này trước khi chụp Anh hùng Núp hay không, nhưng bức chân dung khắc họa không thể chính xác hơn những gì nhà văn đã miêu tả. Hay cũng có thể nói, những gì nhà văn viết về bok Núp đã hiện thành bức ảnh chân dung này.

Trò chuyện với P.V bên lề triển lãm về Anh hùng Núp đang diễn ra tại Bảo tàng tỉnh, anh Tuệ cho biết: Tác phẩm chụp khoảng năm 1995, được nhận xét là một trong những bức ảnh chân dung bok Núp đẹp nhất.

“Gặp bok Núp ngoài đời, ai cũng phải ấn tượng trước vẻ đẹp hình thể cường tráng lẫn vẻ đẹp tâm hồn và khí chất của ông. Là một người anh hùng lừng lẫy nhưng ông có vẻ hiền hậu như tiên ông. Phần lớn những bức ảnh mà ta thấy, ông luôn tỏa rạng trong mọi khung hình.

Bok Núp không chỉ rất đẹp, mà ông còn rất ăn ảnh, nhờ đó những người chụp ảnh cho ông cũng được rạng rỡ thêm nhờ có các tác phẩm để đời. Tôi nghĩ tác phẩm của mình cũng là sự ăn may như vậy”-anh Tuệ chia sẻ.

Anh Nguyễn Quang Tuệ (bìa phải) bên tấm ảnh chân dung Anh hùng Núp được chụp khoảng năm 1995. Ảnh: M.C

Anh Nguyễn Quang Tuệ (bìa phải) bên tấm ảnh chân dung Anh hùng Núp được chụp khoảng năm 1995. Ảnh: M.C

Anh Tuệ cho biết thêm, dù có nhiều cơ hội để chụp ảnh Anh hùng Núp, nhưng thời kỳ đó chụp bằng phim, phải tiết kiệm nên chỉ chụp một cách… rón rén. Anh kể: “Tôi chụp nhiều nhưng không thành công mấy. Hồi đó còn trẻ, chưa có kỹ thuật tốt mà lại sử dụng máy cơ là loại khó chụp nên hư hỏng nhiều”.

2. Sau khi Anh hùng Núp rời cõi tạm về với thế giới người hiền, anh Tuệ vẫn tiếp tục có những chuyến tháp tùng các vị khách về làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) để thăm gia đình, người thân của ông. Anh chụp nhiều hình ảnh, tư liệu về bà Chrơ-người vợ nối dây của ông, con cháu Anh hùng Núp, sự thay đổi của ngôi làng kháng chiến.

Cũng từ những chuyến đi, anh nghe kể thêm nhiều câu chuyện về Anh hùng Núp. Anh cho hay: “Bok Núp mất đến nay đã tròn 25 năm. Hồi đó về làng, trong các gia đình Bahnar ở Kbang nói chung và nhất là làng Stơr, bên cạnh bát hương thờ Bác Hồ đều có bát hương thờ bok Núp.

Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy trong một chuyến về thăm làng bok Núp kể rằng: Ở trong căn cứ Khu 10 (giai đoạn chống Mỹ), chỉ có 2 người có khả năng đặc biệt, có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn, đó là bok Nup và bok Đẳng (Anh hùng Trần Văn Bình). Khó khăn gian khổ trong chiến tranh là chuyện thường tình, ở đây ý nói đến khó khăn nhất trong mọi khó khăn, đó là thu phục lòng dân, đoàn kết người dân.

Trong chiến tranh, mất đoàn kết thì không đủ nguồn lực và sức mạnh. Để lòng người đoàn kết, chỉ có 2 người làm được việc ấy, nhất bà bok Núp. Làng nào mất đoàn kết, nhận thức chưa tốt với cách mạng, ông chỉ cần đến đó một đêm hoặc khó nữa là vài đêm là dân hiểu ra, tin tưởng, đoàn kết, cả làng hết lòng hết sức cho cách mạng. Do vậy, cũng có thể coi ông là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc”.

Nhà lưu niệm anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) là nơi lưu giữu nhiều hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp lừng lẫy của Bok Núp. Ảnh: M.C

Nhà lưu niệm anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) là nơi lưu giữu nhiều hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp lừng lẫy của Bok Núp. Ảnh: M.C

3. Là người anh hùng với những chiến công lừng lẫy, nhưng bok Núp vẫn là một người con của núi rừng từ trong máu thịt. Trong ký ức những người thân yêu, họ nhớ về ông với hình ảnh thật bình dị. Chị Y Phương (Bảo tàng tỉnh) cho biết: Những năm cuối đời ở bệnh viện, thỉnh thoảng, bà Giang Kim Năm-con dâu Anh hùng Núp, dì ruột của chị thường nhờ mang những “bữa cơm đồng bào” ra cho ông.

Chị hồi tưởng: Hồi đó, dì Năm thỉnh thoảng về Kon Gang (huyện Đak Đoa) mang gạo rẫy từ vùng này lên nấu cơm ăn, bok Núp rất thích. Lúc ông nằm viện, tiêu chuẩn của ông là được phục vụ bữa ăn miễn phí, đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng ông lại thích ăn cơm nấu gạo lúa rẫy Kon Gang. Cả 2 loại gạo đều dẻo thơm, giàu dinh dưỡng, trồng từ 6 đến 8 tháng.

Bok Núp thích ăn cơm với muối giã hoặc lá mì xào cà đắng, hoa đu đủ đực. Những bữa ăn thanh đạm đúng kiểu ở làng đó khiến ông rất thích. Vì vậy, mỗi lần bà Năm về làng Klot (xã Kon Gang) để mua gạo, bà con Bahnar ở đây thường mang gạo tới gửi biếu bok Núp.

Có thể bạn quan tâm