Nhớ cái Tết ở căn cứ Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi tiếp quản, lập lại trật tự các thị trấn, thị xã và vùng đồng bào Kinh nông thôn, ngụy quyền Ngô Đình Diệm ở tỉnh Pleiku tập trung mở chiến dịch “tố Cộng” ra vùng đồng bào các dân tộc thiểu số mà trọng điểm đánh phá của chúng là khu 7, vùng căn cứ trong kháng chiến chống Pháp (nay là huyện Kông Chro, Gia Lai). Hàng chục đoàn tố Cộng có lực lượng vũ trang yểm trợ đã khủng bố, đàn áp, giết hại, bắt bớ, tra tấn hàng trăm người vô tội mà chúng gọi là “Thượng Cộng”. Tình hình khu 7 lúc bấy giờ hết sức căng thẳng.
Để đảm bảo an toàn cho cơ quan lãnh đạo của tỉnh, cuối năm 1957 anh Năm Vinh (Võ Trung Thành)-Bí thư Tỉnh ủy quyết định rời căn cứ phía Nam, chuyển cơ quan Tỉnh ủy ra phía Bắc. Nhờ chuẩn bị hành lang tốt, vận dụng yếu tố bí mật bất ngờ nên trên đường di chuyển an toàn tuyệt đối. Mới vừa chuyển đến chỗ mới, nơi ăn chốn ở chưa hoàn toàn ổn định thì Tết Nguyên đán Mậu Tuất (1958) đã đến cận kề. Anh Năm Vinh chỉ đạo cho cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy phải tổ chức ăn Tết đàng hoàng, chu đáo nhằm động viên anh em phấn khởi, tin tưởng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm mới và những năm tiếp theo.
 Các thành viên Ban liên lạc Kháng chiến tỉnh thăm Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh internet
Các thành viên Ban liên lạc Kháng chiến tỉnh thăm Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh internet
Nhận được ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy, chi bộ Văn phòng Tỉnh ủy họp quán triệt và tổ chức phân công chuẩn bị vật chất, tinh thần cho việc đón Tết. Cán bộ, nhân viên các bộ phận thuộc chi bộ Văn phòng Tỉnh ủy được chia thành 3 ban. Ban vật chất gồm tôi, anh Anao (Nguyễn Thanh Bình) và Trinh (người Bahnar) do anh Anao phụ trách. Ban văn nghệ gồm tất cả nhân viên các bộ phận thuộc Văn phòng do anh Phi (Bạch Quang Khanh) phụ trách. Ban hỏa thực gồm cấp dưỡng, tiếp liệu do anh Má (Tống Quang Hớn) phụ trách. Ban vật chất phân công anh Anao đi khu 9 (thị xã Pleiku), tôi đi khu 8 (thị trấn An Khê) liên hệ nhờ các đồng chí lãnh đạo và các đội công tác của những khu vực trên giúp đỡ, tổ chức móc hàng trong vùng địch ra. Anh Trinh chịu trách nhiệm “chạy” một con heo 40-50 kg, khoảng 6-7 con gà to cùng 1 ghè rượu cần thật ngon.
Qua hơn 20 ngày chuẩn bị khẩn trương, các ban khác và anh Trinh của ban vật chất đều thực hiện đạt yêu cầu. Riêng tôi với anh Anao từ khu 8, khu 9 đều trở về tay không vì đang trong chiến dịch tố Cộng và gần ngày Tết, địch phong tỏa nghiêm ngặt, không móc hàng hóa trong vùng Kinh ra được. Tuy vậy, sáng 30 Tết, anh em vẫn giết gà, mổ heo, chuẩn bị nấu nướng. Từ khu 8, khu 9 về trắng tay, anh Anao tới “năn nỉ” anh Hơ Lang (Trần Như Trinh-Chánh Văn phòng Tỉnh ủy kiêm quản lý hàng dự trữ chiến lược). Anh Hơ Lang “động lòng” nên đồng ý cho xuất hàng dự trữ chiến lược ra để chế biến thức ăn ngày Tết. Nói là hàng chiến lược, mới nghe tưởng to tát lắm, nhưng thực ra chỉ có 1 lon nhỏ mì chính, một bì nhỏ nước mắm đã cô đặc thành muối, một lít dầu phụng và vài nắm hạt tiêu.
Anh em đang hồ hởi khẩn trương chuẩn bị chế biến thức ăn, bỗng có tin báo “Heo gạo!”. Tôi lật đật chạy xuống bếp, đúng là con heo gạo thật, phải đem chôn. Vậy là, chỉ có 7 con gà là thực phẩm tươi để đón Tết. Nhờ bàn tay khéo léo mà đầu bếp Mã, chúng tôi vẫn có được nhiều món ăn tươm tất như: thịt gà bóp muối tiêu, canh bí đao, đậu xào lòng gà, rau ghém là bắp chuối thái mỏng trộn với lá bứa. Ăn xong mỗi người uống một cang rượu cần làm bằng bắp, hương vị đại ngàn ngấm vào người cảm thấy lâng lâng. Tuy không có “thịt mỡ, dưa hành” nhưng những món ăn trong bữa liên hoan mừng xuân Mậu Tuất 1958 đúng là ngon chưa từng có kể từ ngày cơ quan Tỉnh ủy dời ra ở căn cứ phía Bắc.
Thi đua với ban vật chất, ban văn nghệ do đồng chí Phi phụ trách cũng “trổ tài” không kém. Sân diễn là một khoảnh đất rừng độ 60 m2 được phát dọn sạch sẽ. Ánh sáng là đống lửa trại to cháy bùng đỏ rực như khối nhân được làm bằng đậu đỏ của một chiếc bánh ít khổng lồ. Nhạc cụ là chiếc đàn nhị tự tạo của cơ quan và chiếc trống cái, chiếc đàn trưng, cây đàn goong của bà con dân làng. Nhạc công, đạo diễn, diễn viên là cán bộ, nhân viên trẻ của các bộ phận báo chí, li tô ấn loát, điện đài, cơ yếu, tuyên huấn, tổ chức của cơ quan Tỉnh ủy và một tổ văn nghệ quần chúng của chi đoàn thanh niên làng Kon Jueng (làng kết nghĩa với cơ quan Tỉnh ủy) được mời tham gia một số tiết mục kịch, ca múa nhạc theo làn điệu dân ca Bahnar.
Tuy là “cây nhà, lá vườn” tự biên, tự diễn, nhưng nhiều tiết mục của đêm văn nghệ rất hay, được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Đặc biệt là tiết mục hài kịch “Con trâu chống giặc” của tổ văn nghệ do chi đoàn Thanh niên làng Kon Jueng trình diễn. Nội dung tiết mục xoay quanh việc quân địch đi càn cướp 2 con trâu của dân. Chúng dắt trâu vừa ra khỏi làng thì trâu vùng mạnh làm bọn giặc sợ hãi, thả dây. Không còn bị vướng dây, trâu xông vào húc giặc, làm nhiều tên ngã lăn rồi chạy thoát. Trên đường chạy vào rừng trốn giặc, con trâu chạy sau thót lên lưng con chạy trước, bắt cõng đi khiến khán giả lăn ra cười sặc sụa.
Kết thúc đêm văn nghệ là bài ca “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh...” sôi nổi, hùng tráng, vang dội cả núi rừng, thấm vào lòng mọi người lời hiệu triệu thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, qua đó kêu gọi các dân tộc anh em đoàn kết quyết đấu tranh tiêu diệt kẻ thù, giải phóng thôn làng, quê hương, giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.
...Đến nay đã hơn 60 năm trôi qua nhưng trong tim tôi vẫn còn in đậm những hình ảnh đầy ấn tượng của cái Tết trong căn cứ Krong năm nào.
 TRỊNH VĂN CƯ