Du lịch

Nhớ chuyến du xuân Lào-Thái

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xe lăn bánh. Sóng điện thoại mất dần, quê hương đã xa ngoài tầm mắt. Xe bon nhanh trên quốc lộ 18. Phong cảnh tuyệt đẹp, con đường quanh co uốn lượn, hai bên xanh sậm một màu rừng, có những đoạn thấy rõ cả thảm thực vật mấy tầng của rừng nguyên sinh. Suốt một chặng đường dài hàng trăm ki lô mét vẫn một màu xanh ấy, lác đác vài bản Lào nằm lẩn khuất phía xa.

Đó là chuyến đi hồi thượng tuần tháng 3-2008, tức là đầu tháng Giêng năm Mậu Tý. Báo Gia Lai tổ chức đoàn tham quan gồm 9 người là cán bộ, phóng viên, biên tập viên và một số khách mời là lãnh đạo các cơ quan thuộc tỉnh. Thực ra, việc xuất hành đầu năm của Báo Gia Lai thì không phải là lần đầu. Năm 1999, mới mùng 10 Tết, cơ quan đã tổ chức một đoàn đi ra các tỉnh phía Bắc, lên Lạng Sơn rồi theo đường biên giới vòng xuống Hạ Long, Quảng Ninh. Thế nhưng đi xuyên Lào rồi ngược ra các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thì đây là lần đầu và đi với số lượng người khá đông.

Nhờ khởi hành sớm từ Pleiku nên khi xe lên đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) mới chỉ hơn 8 giờ sáng. Lúc này, đoạn đường bên kia thuộc đất Lào đang được nâng cấp nên cả đoàn dừng lại khá lâu sau khi làm xong thủ tục xuất-nhập cảnh. Đứng trên đất Lào nhìn sang bên Việt Nam mình tuy chỉ cách vài chục bước, vẫn con đường ấy, những ngôi nhà ấy, vẫn ngọn núi ấy, sóng điện thoại di động vẫn còn đầy mấy nấc nhưng trong tôi bỗng dâng lên cảm giác bùi ngùi, nao nao... Lại nhớ năm 2005, đi dự hội thảo ở TP. Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khi bước qua cửa khẩu Hữu Nghị, tôi cũng đã từng có cái cảm giác đó.

Đền Wat Phou (tỉnh Champasak, Lào). Ảnh: K.N.B

Đền Wat Phou (tỉnh Champasak, Lào). Ảnh: K.N.B

Xe lăn bánh. Sóng điện thoại mất dần, quê hương đã xa ngoài tầm mắt. Xe bon nhanh trên quốc lộ 18. Phong cảnh tuyệt đẹp, con đường quanh co uốn lượn, hai bên xanh sậm một màu rừng, có những đoạn thấy rõ cả thảm thực vật mấy tầng của rừng nguyên sinh. Suốt một chặng đường dài hàng trăm ki lô mét vẫn một màu xanh ấy, lác đác vài bản Lào nằm lẩn khuất phía xa. Diện tích của nước Lào 236.800 km2 nhưng dân số năm đó (2008) chỉ hơn 6 triệu người nên phân bố rất thưa thớt, thi thoảng mới thấy những cánh đồng nhỏ trồng lúa nếp, nhiều cây rừng vẫn đứng giữa ruộng tỏa bóng mát, lô nhô những túp chòi tạm trú nắng mưa. Qua thị trấn Pak Song trên cao nguyên Bolaven có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, bên đường là hoa và những sạp hàng rau quả bắp cải, su su… xanh mướt trong cái lạnh của cao nguyên.

Đêm ấy, đoàn nghỉ lại ở thủ phủ phía Nam của Lào là TP. Pakse, tỉnh Champasak để sáng hôm sau đi tham quan đền Wat Phou-di sản văn hóa thế giới được UNESCO phong tặng vào năm 2001 và chiêm ngưỡng ngọn thác lớn nhất Đông Nam Á là Khone Phapheng. Pakse là nơi ngã ba sông hợp lưu nên dân cư đông đúc. Sau bữa cơm chiều, vài anh em chúng tôi đi dạo trên con phố dọc bờ sông Xedone ngập tràn sắc hoa trắng Champa. Bỗng nghe phía sau có ai trò chuyện bằng tiếng Việt. Thì ra, vợ chồng một Việt kiều ở Pakse cũng đang đi dạo. Hỏi thăm anh chị thì được biết, cư dân ở đây có đến gần một nửa là người Việt (Pakse có trên 80 ngàn dân). Phần lớn là người gốc miền Trung rời quê sang từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, lập nghiệp rồi ở lại luôn cho đến nay đã là thế hệ thứ hai, thứ ba. Tha hương nên bà con quyết chí làm ăn, điển hình là doanh nhân Lê Thị Lượng-Chủ tịch Tập đoàn Dao Heuang, một trong những người giàu nhất nước Lào. Bà là chủ của ngôi chợ lớn tại trung tâm TP. Pakse gồm hơn 1.000 sạp với 80% là bà con Việt kiều và trang trại cà phê, chuỗi nhà máy chế biến ở Paksong cùng chuỗi cửa hàng miễn thuế ở các cửa khẩu Lào-Thái và Lào-Việt.

Một lễ hội ở TP. Ubon, tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan. Ảnh: K.N.B

Một lễ hội ở TP. Ubon, tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan. Ảnh: K.N.B

Hai hôm sau, đoàn làm thủ tục qua Cửa khẩu Chong Mek để sang TP. Ubon-thủ phủ của tỉnh Ubon Ratchathani thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Cộng đồng người Việt ở đây có khoảng trên 5.000 người, cũng sang lập nghiệp cách đây hơn 60 năm, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Riêng tại khu Srinarong có hệ thống cửa hàng ăn uống Việt Nam chạy dọc hai bên đường phố. Ông Bôn-Việt kiều làm phiên dịch cho đoàn cho biết: Ubon có khoảng 50 hộ làm nghề giò chả truyền thống, trên 10 quán phở Việt mang đậm hương vị Hà Nội. Giò chả của Việt kiều tại Ubon xuất đi khắp Thái Lan, có cơ sở mỗi ngày xuất đi cả hơn ngàn cây, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động người Việt tại Ubon. Ông Bôn cho biết thêm: Tuy xa quê hương nhưng bà con luôn hướng về Tổ quốc. Dịp lễ, Tết, cưới hỏi, giỗ chạp…, mọi người sum họp hàn huyên, thông tin cho nhau những đổi thay ở quê nhà. Đặc biệt, thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư tuy sinh ra và lớn lên trên đất Thái, học trường Thái nhưng các cháu vẫn nói được tiếng mẹ đẻ nhờ cha mẹ, ông bà dạy ở nhà. Ngày Tết, bà con vẫn giữ phong tục truyền thống: nhà nào cũng sửa soạn mâm cỗ cúng, bày hoa quả trên bàn thờ gia tiên, trên cao là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương bái vọng; ngày đầu năm thì đến nhà chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Rời Ubon, hôm sau, đoàn chúng tôi ngược lên phía Bắc Thái Lan và dừng chân ở Mukdahan, thành phố tuyệt đẹp nằm sát bên bờ sông Mê Kông. Bên kia là TP. Savanakhet, Lào. Tại đây, đoàn ghé thăm chợ Đông Dương, ngôi chợ có đông bà con kiều bào ta làm ăn, sinh sống. Hầu hết bà con Việt kiều ở Mukdahan là thế hệ thứ hai, thứ ba. Ông cha họ từ Savanakhet vượt sông Mê Kông sang từ năm 1946. Sống trên đất Thái nhiều năm và chí thú làm ăn nên kinh tế của bà con khá sung túc. Đặc biệt, nhiều người là doanh nhân thành đạt trên đất Mukdahan như ông Trần Văn Sinh-chủ chuỗi cửa hàng gia dụng lớn; ông Phạm Văn Hòa-chủ tiệm điện máy; ông Nguyễn Văn Quì-Giám đốc Công ty Thai-Viet Tour.

Còn khá nhiều gia cảnh của những người Việt đã tha hương lập nghiệp thành công bên đất Lào, đất Thái mà chúng tôi không thể nêu hết. Thế nhưng, điều đọng lại trong tôi là buổi chiều muộn đầu năm đến thăm nhà của bà con Việt kiều vẫn còn thấy sắc vàng của hoa mai trước mỗi sân nhà, màu hồng hoa đào bên trong và mâm ngũ quả, thoang thoảng mùi hương thơm nhang trầm nơi gian thờ gia tiên. Cảnh vật, con người và âm thanh đời thường nơi đây như không phải là xứ người cách xa quê nhà vạn dặm.

Có thể bạn quan tâm