Du lịch

Hành trang lữ hành

Nhớ mãi món cá sông Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh, chảy qua 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai trước khi hợp lưu với sông Sêrêpôk rồi đổ vào Mê Kông, sông Sê San đoạn qua biên giới huyện Đức Cơ với nước bạn Campuchia có chiều dài khoảng 6 km. Hai bên bờ, nhiều quãng rừng lan tới chân mặt nước, thỉnh thoảng lại bị cắt chia thành những cù lao nhỏ, lau sậy mọc um tùm. Đây là lý do cắt nghĩa vì sao đoạn sông này rất lắm cá với rất nhiều chủng loại mà ngay cả những ngư phủ thâm niên cũng chưa biết hết tên.
Một lần tôi theo đoàn cán bộ lãnh đạo huyện Đức Cơ ghé thăm chốt kiểm soát của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đóng bên bờ sông Pô Cô. Một chiến sĩ vừa đi thả lưới về. Không thật nhiều tôm cá nhưng cũng thừa sức chiêu đãi đoàn. Nhìn đàn cá bơi đặc trong chậu, tôi tò mò hỏi tên từng loại, anh lắc đầu: “Chúng tôi căn cứ vào đặc điểm bên ngoài đặt tên được mấy loại. Thí dụ loại có một sọc trên thân gọi là cá sọc dưa hay là cá “chuẩn úy”, còn những loại hình dáng na ná nhau thì đều gọi là “cá trắng”… Tất nhiên, đây chỉ là những loại cá phổ biến, dễ đánh bắt. Các loại cá “cao cấp” như cá lăng đoạn sông này cũng có. Riêng loại “cá bò” khổng lồ trên đoạn sông này thì gần như chưa nghe nói tới ở đâu”.
Chế biến món cá sông Pô Cô. Ảnh: Ngọc Tấn
Chế biến món cá sông Pô Cô. Ảnh: Ngọc Tấn
Có thể nói đó là một loài cá “bí hiểm” bởi cho đến nay vẫn chưa ai dò ra quy luật sinh sống cũng như nơi chúng thường ẩn náu. Người ta chỉ đánh bắt được chúng một cách hú họa. Dạo tháng 6, một người dân ở mạn trên chốt biên phòng đã chích điện được một con nặng hơn 45 kg. Khi mổ ra, trong miệng nó hãy còn ngậm một con cá bống nặng hơn 1 kg. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là con có trọng lượng lớn nhất mà người ta được thấy. Ông Siu Luyn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-kể rằng: Ngày còn là học sinh phổ thông, mình đã tận mắt thấy người ta đánh mìn được một con cá bò ở Ngầm Voi còn lớn hơn thế. Lúc đó không có phương tiện để cân nhưng với chiều dài đo được hơn 1,7 m thì ước tính trọng lượng của con cá bò này cũng không dưới 60 kg. Gọi là “cá bò” có lẽ vì người ta thấy trọng lượng chúng quá lớn. Thực ra, qua những đặc điểm miêu tả thì có thể đây là một loại cá nước ngọt thuộc họ cá chép. Tất nhiên, đây chỉ là phỏng đoán trong khi chờ những nghiên cứu của các nhà “ngư loại học” tương lai.   
Chiêu đãi đoàn bữa trưa hôm đó độc một món cá sông Pô Cô: cá nấu canh chua, cá nướng, cá kho… Tuy nhiên, món được mọi người quan tâm hơn hết là cá nướng. Những chú cá dài non gang tay, dáng tương tự cá mương nhưng mình dày hơn, ôm một bọc trứng to như ngón tay út, mỡ bóng nhẫy cả lớp vảy màu trắng bạc bốc lên một mùi thơm ngậy. Gỡ một bên lườn cá cuốn với lá sung, lá xoài và thêm chút rau thơm nữa rồi chấm vào chén nước mắm nhỉ với ớt hiểm cay xé lưỡi. Đơn giản vậy nhưng tin chắc ai đã từng nếm các món cao cấp trong nhà hàng, nếu có dịp hẳn cũng phải say lòng với món cá nướng sông Pô Cô dân dã này. Cái vị béo ngậy của cá lan tỏa trong vị chát ngọt của lá rừng, vị cay của ớt, vị nồng của rượu gợi nên một cảm giác thật lạ lẫm, khó quên. Chợt ngẫm, thật có lý khi huyện Đức Cơ đưa sông Pô Cô vào đề án đầu tư phát triển du lịch. Hãy tưởng tượng một ngày bên bờ sông yên bình này mọc lên những nhà hàng để du khách sau khi tham quan Quốc môn, ghé chợ biên giới mua sắm sẽ đến đây câu cá thư giãn, thưởng thức món cá sông với gỏi lá rừng. Trong không gian rười rượi gió lành, ngắm cảnh sông nước yên bình, thưởng thức món cá dân dã, chợt như cái bận bịu, ồn ã của thời đại kim khí đã lùi lại phía sau, chỉ còn lắng lại trong mình những cảm xúc trong lành được gột rửa.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm