Bạn đọc

Nhọc nhằn nghề lấy mật ong rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Mật ong rừng Kbang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Nhưng để có được vị ngọt chắt chiu từ thiên nhiên ấy, người thợ săn mật đã trải bao nhọc nhằn, nguy hiểm.

Từ giữa tháng 3 đến hết tháng 6 là thời gian khai thác rộ mật ong rừng. Đàn ông, con trai các xã Sơn Lang, Đak Rong, Krong, Kon Pne (huyện Kbang) từng tốp 3-5 người rủ nhau vào sâu trong những cánh rừng già ngày đêm tìm tổ, lấy mật ong. Anh Đinh Văn Phân (làng Hà Nừng, xã Sơn Lang) có kinh nghiệm gần 20 năm với nghề, cho biết: “Ong thường làm tổ ở những khu rừng rậm, có tầng tán, không bị ngọn gió thốc thẳng vào, ít người qua lại và có nhiều loài cây có hoa như: dẻ, sa nhân, xoay, cà phê… Những cây sao cát đường kính từ 3 mét trở lên, gần con suối có tổ ong lớn gọi là “tổ mẹ” thì những cây xung quanh, ong làm tổ rất nhiều. Người già ngày trước hàng năm còn cúng cho cây trước khi lấy mật”.

 

Ảnh minh họa

Tổ ong thường đóng trên những nhánh cây cao từ 10 mét trở lên, vì thế để trèo được đến nơi, người thợ dùng cây sào tre hoặc cây rừng cứng cáp có chiều dài tương ứng, xung quanh quấn chặt bằng dây rừng (có khi là dây thừng), gọi là thang dây, tựa vào thân cây mà trèo lên. Người “thợ chính” mang gùi đựng chiếc xô nhựa cùng “con dao” làm bằng cật tre, nứa vót bén ngọt lên trước; “thợ phụ” trèo theo sau, tay cầm cuộn dây thừng cùng cây đuốc bùi nhùi, nguyên liệu là lá cây ngát bó chặt, lá khô bên trong, lá tươi bên ngoài cho rất nhiều khói nhưng không bốc lửa ngọn, huơ quanh tổ đuổi ong bay đi trước khi dùng dao tre cắt bầu mật.

Ở những cây cao thường có nhiều tổ, cứ thế họ chuyền cành. Xong việc, “thợ phụ” buộc xô mật vào dây thừng, buông dần cho người đứng bên dưới trút vào dụng cụ chứa. Thợ săn ong mật ngày trước nếu phát hiện tổ còn bé hay vì lý do nào đấy chưa khai thác, họ “xí phần” bằng cách đặt nhành cây xanh dưới gốc hoặc băm mấy nhát rựa vào thân cây làm dấu đến thời điểm thích hợp thì quay lại, chẳng bao giờ mất phần. Nghề làm bộng ong, gát cây (treo cây) cho ong làm tổ vốn rất thịnh ở xã Krong, chủ nhân cũng chỉ cần khắc tên mình (hay vết khắc ký hiệu) vào gốc cây, đến mùa tìm đến mà thu hoạch. Nhưng ấy là chuyện ngày xưa, “luật rừng xanh” giờ không mấy người tuân thủ nữa nên mới diễn ra tình trạng tranh nhau mà khai thác. “Người Bahnar quan niệm, cây đa là “cây thần” không được xâm phạm dù chỉ là chiếc lá, cành cây. Tổ ong trên cây đa tuyệt nhiên không bao giờ động đến. Nghề lấy mật ong rừng ngày nay đâu chỉ có riêng người dân bản địa nên tín ngưỡng kiêng nể “cây thần” cũng nhạt dần-anh Phân tâm sự.

Dù những người thợ săn mật rất kỹ lưỡng quan sát để không trèo, bám phải cành hay dây khô; hạn chế tối đa khả năng bị ong đốt; tránh không để mật ong vấy vào lòng đôi bàn tay dễ bị trơn tuột… nhưng mùa săn mật nào cũng có người bị nạn. Cái giá phải trả khi rơi từ trên cao xuống nếu không là tính mạng thì cũng thương tật vĩnh viễn. Biết là nguy hiểm nhưng là nghề truyền thống, lại đem thu nhập nên họ vẫn làm. Được biết, ngày trúng nhất, người lấy mật ong rừng kiếm được không hơn 500.000 đồng/người. Mới biết, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Người xưa đúc kết đâu có sai!

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm