Bạn đọc

Nhọc nhằn Thanh tra Giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Mỗi lần lập biên bản xử phạt cũng thấy xót lắm! Bởi mình hiểu kiếm được đồng tiền đâu dễ, trong khi có biên bản mức phạt lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí có doanh nghiệp bị phạt cả trăm triệu đồng. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động tài xế, chủ phương tiện rất nhiều rồi nên giờ đã vi phạm thì không thể không xử lý”-ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Chánh Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) chia sẻ.

Để các Thanh tra Giao thông (TTGT) trải lòng về nghề thật chẳng dễ. Bởi lẽ, đây là công việc chịu rất nhiều áp lực-áp lực từ người bị xử phạt, từ những mối quan hệ xã hội và cả từ dư luận vốn ít thiện cảm với lực lượng này. Sau rất nhiều băn khoăn, ông Đoàn Đức Mạnh trải lòng: “Công việc của TTGT rất nhiều, từ kiểm soát tải trọng, xử lý xe dù bến cóc, vi phạm trong hoạt động vận tải đến kiểm tra người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích… Nghe thì đơn giản, nhưng mỗi khi lập biên bản xử phạt, chúng tôi cũng căng thẳng và nói thật, cũng thương cho cánh tài xế”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Mạnh giải thích luôn: “Công lái xe thuê chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng mức phạt thì lên đến tiền triệu, ai mà không xót!”.

 

Lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với các ngành kiểm tra tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích, ma túy khi điều khiển phương tiện. Ảnh: L.L
Lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với các ngành kiểm tra tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích, ma túy khi điều khiển phương tiện. Ảnh: L.L

Mới đây, có dịp theo chân lực lượng TTGT phối hợp với lực lượng Cảnh sát Trật tự (PC64, Công an tỉnh) tuần tra kiểm soát, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc tại một số tuyến đường trọng điểm ở  TP. Pleiku, chúng tôi hiểu thêm phần nào công việc của họ. Bằng con mắt nghề nghiệp tinh tường, lực lượng phối hợp đã phát hiện chiếc xe 16 chỗ trưng biển đi Đak Lak đang chạy trên đường Trường Chinh có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe, kiểm tra. Dù không xuất trình được các giấy tờ liên quan, xe không có phù hiệu, không đăng ký vận tải nhưng tài xế xe này vẫn một mực không chịu ký biên bản vi phạm với lý do... chỉ lái xe thuê. Phải mất gần một giờ giải thích, thuyết phục, lực lượng phối hợp mới hoàn tất hồ sơ, biên bản vi phạm trong tiếng càu nhàu, chửi đổng của tài xế.   

Đi cùng chúng tôi, ông Trần Duy Mẫn-Đội trưởng Đội TTGT số 3, trần tình: “Mấy cái này chưa nhằm nhò gì! Có những lần kiểm tra, xử lý vi phạm, chúng tôi còn bị đe dọa đến tính mạng”. Dẫn chứng cho điều này, anh Mẫn kể: Đêm 12-5-2017, các thanh tra viên đang làm nhiệm vụ tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động 55 trên quốc lộ 19 (thị xã An Khê) thì phát hiện 2 xe tải chở mía đậu bên đường có dấu hiệu chở quá tải. Dù lực lượng TTGT đã vận động hạ tải nhưng tài xế 2 xe này vẫn không chấp hành, cố tình điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao để vượt trạm. Thậm chí, 1 tài xế còn nhắn tin qua điện thoại di động của một thanh tra viên đe dọa: “Bố láo, tui xuống tui tông chết luôn!”. Sự việc ngay sau đó đã được báo cáo cơ quan chức năng và đối tượng nhắn tin đe dọa đã bị xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ngoài đối diện với hiểm nguy, lực lượng TTGT còn phải thường xuyên “đấu trí” với những trò ma mãnh của cánh tài xế, nhất là trong công tác xử lý vi phạm về hành vi sử dụng chất kích thích, ma túy… Theo giải thích của các TTGT, việc sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vô cùng nghiêm trọng và đã có rất nhiều bài học nhãn tiền. Tuy nhiên, kiểm tra việc sử dụng chất kích thích, ma túy đối với các tài xế cũng không dễ bởi họ khá ma mãnh. Thậm chí, có tài xế luôn “thủ” sẵn chai nước lọc bên mình để khi gặp lực lượng TTGT mà phải test nước tiểu thì tráo đổi. “Vì vậy, với những tài xế nghi vấn sử dụng chất kích thích, chúng tôi luôn phải cảnh giác. Mỗi khi họ đi lấy nước tiểu để test nhanh, chúng tôi phải cử cán bộ đi theo để tránh trường hợp tài xế tráo đổi mẫu”-ông Mạnh cho biết.

 

Trong năm 2017, lực lượng TTGT đã tổ chức 326 đợt thanh tra, kiểm tra và phát hiện 561 phương tiện vi phạm. Theo đó, đơn vị đã lập 914 biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 173 tổ chức, 741 cá nhân với tổng số tiền gần 8,5 tỷ đồng, tịch thu 7 giấy phép lái xe, 4 phù hiệu xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; tước quyền sử dụng có thời hạn 371 loại giấy tờ có liên quan, hạ tải hơn 2.117 tấn hàng  hóa.

Đi tuần tra cùng các TTGT, nghe họ trải lòng, chúng tôi biết rằng, với lực lượng còn rất mỏng, địa bàn quản lý rộng nên công việc của họ rất căng thẳng, không có giờ giấc nhất định, có thể là giữa trưa nắng gắt hay đêm tối giá lạnh, cứ có lệnh hoặc nhận được phản ánh của người dân thông qua đường dây nóng liên quan đến lĩnh vực giao thông là họ lập tức lên đường. Vất vả là vậy song họ luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông. Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, nhận xét: “Vài năm trở lại đây, TTGT xứng đáng là lực lượng chủ lực của ngành trong việc góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường”.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm