Kinh tế

Tài chính

Nhu cầu tín dụng sau Tết không cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tháng 2-2021, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn ở mức thấp nhưng huy động vốn tiếp tục tăng trưởng, đa phần khách hàng có xu hướng lựa chọn gửi tiết kiệm ngắn hạn. Điều này cho thấy, ngân hàng đang thừa vốn, khách hàng ít có nhu cầu tín dụng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.  
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, bà Nguyễn Thị Lành (hẻm 94 Phù Đổng, TP. Pleiku) đến ngân hàng làm thủ tục gửi tiết kiệm với kỳ hạn 3 tháng. Bà cho biết: “Thời gian này, tôi đã thu hồi xong các khoản công nợ nên nguồn vốn cũng nhàn rỗi. Vì chưa cần nhập hàng hóa, sức mua trên thị trường nhìn chung cũng chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi chọn gửi tiết kiệm ngắn hạn dù lãi suất thấp”. Theo tính toán của bà Lành, mặc dù hiệu suất sinh lời từ tiền gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn nhưng vẫn là kênh an toàn cho dòng vốn nhàn rỗi.
Cùng chung quan điểm, anh Phạm Khánh Chi (14/1 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi làm nghề dân dụng nên qua Tết cũng có dư chút ít để gửi tiết kiệm. Gửi ngân hàng vừa có tiền lãi, vừa bảo toàn vốn trong lúc chờ đợi hướng đầu tư phù hợp với khả năng tài chính của mình. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, bung vốn ra làm ăn cũng e ngại rủi ro”.
Để có mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, các ngân hàng chủ động tiết kiệm giảm chi phí hoạt động. Ảnh: Sơn Ca
Để có mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, các ngân hàng chủ động tiết kiệm giảm chi phí hoạt động. Ảnh: Sơn Ca
Hiện tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng áp dụng lãi suất 0,1-0,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất 4,5-5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất 5,5-6%/năm.
“Thông thường thời điểm trước và sau Tết, ngân hàng thường tăng lãi suất huy động để hút vốn. Riêng năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động lại được điều chỉnh giảm nhẹ. Điều này cho thấy, ngân hàng đang thừa vốn, khách hàng ít có nhu cầu tín dụng để mở rộng sản xuất kinh doanh”-ông Dương Công Minh-Giám đốc ACB Gia Lai-nhận định.
Trong tháng 1-2021, huy động vốn toàn tỉnh đạt hơn 40.472 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với cuối năm 2020; dự ước huy động vốn thực hiện trong tháng 2-2021 là 40.960 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2020. Trong cơ cấu tổng nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm chiếm tới 68,2% và tăng 1,7% so với cuối năm. Ước tính đến hết tháng 2-2021, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh là 94 ngàn tỷ đồng (giảm 0,5% so với cuối năm 2020, số giảm tuyệt đối hơn 439 tỷ đồng).

Trong khi đó, ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai thì khẳng định: “Lãi suất hiện tại đã được đẩy xuống mức thấp nhất, không còn hấp dẫn nên hầu hết khách hàng có xu hướng gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng. Dòng tiền nhàn rỗi đang tạm thời cư trú ở ngắn hạn, trong khi khách hàng cân nhắc, thăm dò các kênh đầu tư khác”.

Là một trong số ít ngân hàng thương mại cổ phần cân đối được tỷ trọng huy động vốn và cho vay, SHB Gia Lai vẫn đang ổn định tệp khách hàng lẫn thị phần huy động tiết kiệm sau Tết, doanh số huy động vốn đến thời điểm này đạt khoảng 1.100 tỷ đồng (tăng khoảng 30 tỷ đồng so với cuối năm 2020). Mặc dù dồi dào về khả năng thanh khoản nhưng SHB Gia Lai vẫn giữ quan điểm kiểm soát chất lượng tín dụng.

Còn tại BIDV Phố Núi, mọi hoạt động giao dịch vẫn đi vào guồng ổn định sau kỳ nghỉ Tết. Theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Hiền-Phó Giám đốc BIDV Phố Núi: “Diễn biến thị trường ngân hàng đầu năm nay khác hẳn với mọi năm. Lâu nay, Gia Lai vốn là thị trường hút vốn tín dụng rất tốt nhưng hiện nay, dư nợ tín dụng lại giảm, huy động vốn đang tăng nhẹ so với cuối năm 2020”.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, người dân và doanh nghiệp hạn chế mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thì ngân hàng vẫn được lựa chọn là kênh giữ tiền an toàn, ổn định, doanh số huy động tại BIDV Phố Núi vẫn tăng nhẹ trong tháng 2-2021, hiện đang ở mức 1.900 tỷ đồng và dự kiến đến hết quý I-2021 đạt khoảng 1.950 tỷ đồng.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm