TN - Đất & Người

Nhức nhối nạn khai thác vàng trên đất rừng ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ năm 2021 đến nay, vàng tặc liên tục đột kích, khai thác vàng trái phép ở tiểu khu 1660 và 1661 nằm trên lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Mặc dù chủ rừng đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, thậm chí điểm mặt, chỉ tên được nhiều đối tượng nhưng hoạt động khai thác vàng trái phép vẫn đâu lại vào đấy, kéo dài năm này qua năm khác.
 
Lán trại của các đối tượng khai thác vàng nằm trên đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Ảnh: H.T
Lán trại của các đối tượng khai thác vàng nằm trên đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Ảnh: H.T
Ngang nhiên khai thác vàng trên đất rừng
Từ đường giao thông liên xã Quảng Sơn - Quảng Hòa đi bộ khoảng 2km đường rừng chúng tôi đã có thể tiếp cận hiện trường khu vực khai thác vàng trái phép tại tiểu khu 1660 và 1661. Khu vực này thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý (địa giới hành chính thuộc địa bàn xã Quảng Hòa giáp ranh với xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).
Trên đường đến địa điểm khai thác vàng chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích đất rừng, lòng suối bị đào bới để phục vụ mục đích khai thác vàng trái phép. Có mặt tại tại điểm nóng khai thác vàng, chúng tôi chứng kiến nhiều lán trại được dựng lên ở dưới chân đồi. Các lán trại này đủ cho hàng chục đối tượng có thể ẩn náu, hoạt động. 
 
Máy móc các đối tượng khai thác vàng sử dụng tại hiện trường. Ảnh: H.T
Máy móc các đối tượng khai thác vàng sử dụng tại hiện trường. Ảnh: H.T
Đặc biệt, xung quanh khu vực này, các đối tượng khai thác vàng trái phép đã đào một số đường hầm sâu vào bên trong lòng đất. Phía trong hầm có thiết bị, máy móc phục vụ việc đào, đãi vàng trái phép. Tại hiện trường, ngổn ngang xe máy độ chế để đi rừng, máy nổ, máy bơm không khí vào trong hầm vàng, máy phát điện, máy nghiền quặng… 
Ở một đường hầm khai thác vàng khác, qua quan sát thì có nhiều nồi, niêu, chén, bát, lương thực, thực phẩm phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt, hàng ngày của các đối tượng khai thác vàng trái phép.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn cũng cho biết, tình trạng khai thác khoáng sản, đào xới lòng suối trái phép tại khu vực trên đã kéo dài nhiều năm nay. Ngoài ra, các đối tượng còn làm lán trại ở trực tiếp trên lâm phần do công ty quản lý, gây ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị. Hoạt động này cũng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, gây thất thoát nguồn tài nguyên của Nhà nước.
 
Bên trong lán trại các đối tượng khai thác vàng. Ảnh: H.T
Bên trong lán trại các đối tượng khai thác vàng. Ảnh: H.T
"Điểm mặt, chỉ tên" nhiều vàng tặc
Theo Công ty TNHH Quảng Sơn, từ năm 2021 cho đến tháng 9.2022, Công ty đã phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng gần 20 vụ việc khai thác vàng trái phép, Việc các đối tượng lén lút khai thác trái phép làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị. 
Không chỉ phát hiện sự việc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn còn "điểm mặt, chỉ tên" được rất nhiều đối tượng có hành vi khai thác khoảng sản trái phép trong lâm phần của đơn vị quản lý.
 
Một đường hầm khai thác vàng nằm trên lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Ảnh: H.T
Một đường hầm khai thác vàng nằm trên lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Ảnh: H.T
Theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, nhiều lần phát hiện sự việc, tổ tuần tra đã tiến hành lập biên bản kiểm tra và yêu cầu các đối tượng dừng mọi hoạt động tự giác gỡ bỏ máy móc, di dời ra khỏi khu vực đất lâm nghiệp do công ty quản lý. Tuy nhiên, các đối tượng đã không chấp hành.
"Tình trạng khai thác vàng diễn ra đã lâu và đang hết sức phức tạp. Mặc dù công ty đã nhiều lần báo cáo cơ quan chức năng phối hợp vào giải tỏa. Thế nhưng, sau mỗi lần giải tỏa, khi lực lượng rút quân thì các đối tượng lại tiếp tục vào làm lại" - báo cáo của Công ty TNHH MTV Quảng Sơn gửi các cơ quan chức năng cho biết. 
Theo ông Phan Xuân Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, ở lâm phần vàng tặc thường hay xuất hiện đơn vị có một trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng chỉ có 4 người thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ gần 5.000ha rừng và đất rừng.
 
Nhiều diện tích đất rừng bị đào bới ở gần địa điểm khai thác vàng. Ảnh: H.T
Nhiều diện tích đất rừng bị đào bới ở gần địa điểm khai thác vàng. Ảnh: H.T
Theo ông Huệ, thời gian qua, 4 anh em ở trạm quản lý bảo vệ rừng này rất vất vả, phải tập trung lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở tiểu khu 1637. Bởi nơi đây là điểm "nóng" về tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất đai làm nương rẫy.
Ngoài ra, ở những địa điểm vàng tặc xuất hiện thì anh em cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Khi phát hiện sự việc đơn vị đã phối hợp với UBND xã Quảng Hòa phá lán trại và thu về một số máy móc. "Để giải quyết dứt điểm sự việc này đơn vị phải cần đến sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác" - ông Huệ khẳng định.   
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm