Pháp luật

Nhức nhối tai nạn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Kết quả giám sát cho thấy, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người dân tộc thiểu số (DTTS) mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn rất nhức nhối.

Theo thống kê, từ ngày 1-7-2009 đến 14-12-2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5.991 vụ TNGT, làm 3.563 người chết, 6.360 người bị thương. Trong đó có 48 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, 289 vụ rất nghiêm trọng, 2.835 vụ nghiêm trọng và 2.819 vụ ít nghiêm trọng. Đáng chú ý, gần 50% số vụ TNGT liên quan đến đồng bào DTTS.

Cán bộ Công an huyện Chư Sê tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho thanh niên người dân tộc thiểu số. Ảnh: T.T

Cán bộ Công an huyện Chư Sê tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho thanh niên người dân tộc thiểu số. Ảnh: T.T

Theo phân tích của ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh: Những năm qua, đời sống của người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Người dân có điều kiện mua các loại mô tô, xe công nông, máy kéo nhỏ để làm phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa. Mạng lưới giao thông được đầu tư mở rộng đến tận thôn, làng của các xã vùng sâu, vùng xa đã tạo điều kiện để người dân mua sắm phương tiện xe máy phục vụ đi lại và giao thương.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của đồng bào DTTS còn hạn chế, nhiều người không có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, tình trạng người DTTS sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật như: xe không có đèn, phanh, gương chiếu hậu diễn ra khá phổ biến cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 410 vụ TNGT, làm 265 người chết, 263 người bị thương. Trong đó, TNGT liên quan đến người DTTS chiếm hơn 42%. Nhiều vụ TNGT liên quan đến người DTTS do lỗi chủ quan, không quan sát, chạy xe với tốc độ nhanh. Điển hình như vào lúc 17 giờ 45 phút ngày 25-10-2023, tại thôn Pác Bó (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa 2 xe máy khiến 4 người tử vong.

Riêng 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 147 vụ TNGT, làm 85 người chết, 97 người bị thương. Trong đó, hơn 42% số vụ tai nạn liên quan đến người DTTS. Đây là những con số đáng báo động về tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người DTTS. Qua phân tích các vụ TNGT liên quan đến người DTTS trong thời gian qua thì hầu hết rơi vào đối tượng từ 18 đến 40 tuổi, với các lỗi vi phạm như: đi sai làn đường, phần đường, lấn đường; không chú ý quan sát; vi phạm tốc độ; tránh vượt sai quy định; sử dụng rượu, bia; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật…

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian qua, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn giao thông, kỹ năng lái xe an toàn cho hơn 3.000 công an viên, 4.200 cán bộ chủ chốt, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, lực lượng bảo vệ dân phố.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, TNGT liên quan đến người DTTS vẫn ở mức đáng báo động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 31.000 xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn chưa có giải pháp quản lý, thay thế, là nguy cơ tiềm ẩn TNGT. Cùng với đó, người điều khiển xe công nông, xe máy kéo nhỏ vẫn chưa được quan tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Có thể bạn quan tâm