Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Nhức nhối trọng án học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong 5 ngày (từ ngày 6 đến 10-12-2017), liên tiếp xảy ra 2 vụ trọng án chết người gây xôn xao dư luận Gia Lai. Như Báo Gia Lai đã phản ánh, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 6-12, Đinh Hoàng Long (SN 2001, trú tại tổ 5, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, cùng bạn học ngồi trong quán nước cách trường tầm 50 m thì bị Huỳnh Văn Dũng (SN 2001 trú tại tổ 13, phường Hội Phú, TP. Pleiku) đi từ bên ngoài vào đuổi đánh, dùng súng tự chế bắn 2 phát khiến Long ngã gục tại chỗ, sau đó chết ở bệnh viện. Sau khi bắn Long, Dũng bỏ trốn lên Kon Tum, đến chiều tối cùng ngày thì bị Công an Gia Lai bắt giữ.
 

Ảnh internet
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tẢnh internet

Vụ Đinh Hoàng Long bị bạn cùng 16 tuổi bắn chết chưa kịp lắng xuống thì tối 10-12, tại huyện Chư Pah xảy ra xô xát giữa 2 nhóm học sinh lớp 11 khác trường trên địa bàn huyện dẫn đến ẩu đả, đâm nhau, khiến em Nguyễn Triều Phú (SN 2000, trú tại thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah), học sinh lớp 11A5 Trường THPT Ia Ly bị đâm tử vong. Cơ quan Điều tra đã tạm giữ 5 đối tượng nghi vấn liên quan cái chết của Phú. Nguyên nhân ban đầu được xác định do các em rót bia sơ suất đổ vào người nhau, rồi gây gổ đánh lộn, đâm nhau.

Thời gian qua, trong cả nước liên tiếp xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, tung clip lên mạng xã hội, Gia Lai cũng có. Song đánh nhau đến tử vong như 2 trường hợp vừa nêu thì đã đến lúc ngành Giáo dục nói riêng và cả hệ thống chính trị phải nghiêm túc nhìn nhận, quyết liệt vào cuộc. Vì sao có học sinh đi học quên mang bút mà lại nhớ mang dao trong cặp? Nạn học sinh lớp lớn bắt nạt học sinh lớp bé, em lớn dọa em nhỏ xảy ra trong tuổi học trò từ THCS đến THPT đang ngày càng phổ biến.

Nhiều phụ huynh than phiền, con gái họ mới tuổi THCS buổi sáng đi học không lo ăn sáng hoặc chuẩn bị cặp sách, ôn bài mà tập trung nhiều thời gian để trang điểm. Học sinh mới tuổi 12-14 mà lên mạng xã hội nói tục, chửi thề, giành “vợ”, giành “chồng”. Không ít học sinh mang thuốc lá vào trường, vào lớp hút hít. Ngay trên địa bàn TP. Pleiku, ở trường điểm hẳn hoi, có trường hợp học sinh THCS gây chuyện với nhau qua mạng xã hội Facebook, rồi nhờ bạn ở trường khác đến cổng trường “xử lý” các bạn lớp lớn đã hăm dọa hành hung mình. Rất may vụ việc được phát hiện kịp thời nên hậu quả chưa xảy ra.

Lứa “tuổi teen” là độ tuổi phức tạp nhất đời người, các em từ thiếu nhi lên thanh niên, muốn khẳng định mình, muốn thoát ly sự quản lý, ràng buộc của cha mẹ, gia đình; tin yêu, lý tưởng bạn bè, các mối quan hệ do mình tạo ra. Xã hội hiện đại khiến quan hệ của các em rộng mở, không chỉ gói gọn trong nhóm bạn học, trong trường, trong lớp, mà hết sức phức tạp, bởi quan hệ dắt dây từ việc quen với bạn cá biệt dẫn đến quen với nhóm bạn bỏ học, có tiền án, tiền sự. Các em chưa phân biệt đâu là bạn tốt, bạn xấu, đâu là hành vi nguy hiểm cần đề phòng, cảnh giác. Tuổi này dễ bốc đồng, gây gổ vì những việc vụn vặt, sau đó hành động khó kiểm soát. Vì thế, hậu quả khôn lường.

Việc học sinh xử lý nhau bằng hung khí, trong đó có dao, kiếm, súng tự chế… đã đến lúc phải ngăn chặn triệt để. Không cha mẹ, thầy cô nào khuyên các em thủ sẵn dao kiếm khi ra đường hoặc đến lớp, song vì sao các vụ trọng án xảy ra đều xuất hiện hung khí thủ sẵn? Việc các em mang theo hung khí, bắt nguồn từ “phòng thân”, đến khi sự biến xảy ra, hung khí ấy thành vật đoạt mạng người khác. Vấn đề là vì sao các em phải phòng thân, những bất an này bắt nguồn và diễn ra từ đâu?

Điều đáng suy nghĩ là hầu hết các vụ học sinh kình nhau, dọa nạt, gây hấn đều xảy ra ở trường. Đấy có khi là trong lớp học, căng tin, sân trường, trong nhà vệ sinh… thường vào thời điểm ra chơi. “Kênh” nhau lúc đó, rồi về lên Facebook tìm nickname nhắn tin qua lại thách thức, gây gổ, hẹn “nói chuyện”. Vậy là việc bé xé thành to, hiểu nhầm dẫn đến 2 bên không kiểm soát được tình hình, xảy ra hỗn chiến, hoặc đơn phương tấn công, hành hạ “đối thủ”.

Từ 2 vụ trọng án gây chết học sinh và những vấn đề phức tạp trong an ninh học đường hiện nay ở Gia Lai, thiết nghĩ đã đến lúc cả hệ thống chính trị phải nghiêm túc vào cuộc. Trước tiên là việc kinh doanh buôn bán những sản phẩm gây hại cho người dưới 18 tuổi như rượu bia, thuốc lá. Một số đối tượng lén lút bán chất cấm, chất gây nghiện cho học sinh ở những nơi các em hay lui tới  như cổng trường, phòng internet, nơi vui chơi giải trí… cần được phát hiện, xử lý nghiêm. Nhà trường cần có những tiết học ngoại khóa giáo dục trực quan cho học sinh về nguy cơ của bạo lực, nghiện ngập thì chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ rất cao so với những giờ dạy lý thuyết suông trên bục giảng. Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh, nhất là học sinh cá biệt để các em này không lôi kéo, ảnh hưởng đến các bạn xung quanh cũng là vấn đề nóng bỏng. Học sinh thấy các bạn đánh nhau mà không can ngăn, lại đứng ngoài cổ vũ cũng phải xử lý kỷ luật.

Nếu không có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời thì chắc chắn ngành Giáo dục Gia Lai thời gian tới sẽ không chỉ có 2 học sinh bị đoạt mạng. Nền giáo dục sẽ ra sao khi mà học sinh ngày càng ít tôn trọng nhân cách, tính mạng con người, ngày càng tỏ ra ích kỷ, vô tâm. Các em không còn cảm xúc thương yêu bạn bè, xót xa cho đồng loại, đồng cảm với nỗi đau của người khác thì mai này quê hương, đất nước trông chờ gì ở số người này?

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm