Kinh tế

Những bước tiến vững chắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chi cục Hải quan Cửa khẩu (HQCK) Lệ Thanh đứng chân trên địa bàn xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, giáp huyện Ozadav, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Nơi này có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh đối với tỉnh Gia Lai nói riêng và nước ta nói chung.
Ban đầu thành lập, Chi cục HQCK Lệ Thanh có tên gọi là Hải quan Cửa khẩu đường 19, trực thuộc Hải quan tỉnh Nghĩa Bình cũ (theo Quyết định số 107/TCHQ-TCCB ngày 28-4-1987 của Tổng cục Hải quan) và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 20-7-1987. 
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Sơn Ca
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Sơn Ca
Và từ đó, hàng năm, ngày 20-7 được lấy làm Ngày truyền thống của đơn vị. Đến ngày 16-12-2001, Tổng cục Hải quan ra Quyết định đổi tên Hải quan Cửa khẩu đường 19 thành Chi cục HQCK Lệ Thanh gồm 2 địa điểm làm thủ tục hải quan: Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đặt tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ và Đội Thủ tục Hàng hóa Xuất nhập khẩu trong nội địa, đặt tại phường Trà Bá, TP. Pleiku.
Trong những ngày đầu hoạt động, Chi cục gặp muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, trang-thiết bị làm việc và phương tiện đi lại, đặc biệt đời sống và sinh hoạt của cán bộ-công chức (CBCC) vô cùng thiếu thốn. Trụ sở làm việc là căn nhà mái tôn, vách ván dựng lên tạm bợ, chỗ ở là lán trại tạm trú, không điện đài, không thuốc men, dân cư thưa thớt, xung quanh toàn núi, rừng bao phủ, khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật hoành hành, nhất là bệnh sốt rét rừng. Những năm đầu, hầu hết CBCC Hải quan chưa quen với phong thổ; thiếu thuốc men nên ai cũng nếm mùi sốt rét đôi ba lần, phải điều trị lâu dài. Một số CBCC không chịu đựng được gian khổ, dao động tư tưởng và tự làm đơn xin thôi việc. Nhưng nhờ sự động viên kịp thời của lãnh đạo, sự chăm lo tận tình của đồng đội nên anh em đã từng bước ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, bám trụ địa bàn.
Ảnh: Sơn Ca
Ảnh: Sơn Ca
Hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trong những năm đầu thành lập còn nhỏ lẻ, không thường xuyên; tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới bấy giờ chưa phát sinh; 80% CBCC của đơn vị là bộ đội xuất ngũ và chuyển ngành chưa qua đào tạo nghiệp vụ hải quan. Nhận định được sự phát triển của Cửa khẩu Lệ Thanh trước xu thế phát triển của ngành Hải quan tại Tây Nguyên và thực trạng tình hình đội ngũ CBCC của đơn vị , lãnh đạo Hải quan tỉnh Nghĩa Bình (cũ) đã cắt cử một số cán bộ có trình độ nghiệp vụ vững vàng đến công tác tại Cửa khẩu Lệ Thanh để vừa giúp CBCC của Chi cục làm việc vừa tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Được sự hướng dẫn cụ thể của đồng nghiệp và sự nỗ lực học tập, nghiên cứu nên CBCC trong đơn vị đã tiếp thu một cách cơ bản các nội dung nghiệp vụ hải quan và áp dụng vào thực tế công việc khá thành thục.    
Từ năm 1990, Chi cục HQCK Lệ Thanh trực thuộc Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum có nhiều thuận lợi hơn. Thời kỳ này, đất nước ta cũng đã mở rộng giao lưu kinh tế với tất cả các nước, hàng hóa của hai nước Việt Nam và Vương quốc Campuchia qua lại tại Cửa khẩu Lệ Thanh và công tác xuất-nhập khẩu trong nội địa tỉnh Gia Lai tăng nhanh đáng kể. Điều đó đặt ra cho Chi cục những nhiệm vụ hết sức nặng nề, trước yêu cầu mới về việc thực hiện chính sách Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác và giao lưu quốc tế, đồng thời bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, ngành Hải quan phải tự đổi mới để phát triển trong điều kiện một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên, Chi cục HQCK Lệ Thanh đã từng bước tổ chức triển khai thực hiện; đó là ổn định tổ chức và bộ máy làm việc theo xu hướng hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin, triển khai tất cả các ứng dụng tin học trong quy trình nghiệp vụ hải quan; xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh, trẻ hóa đội ngũ và có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Đến nay, Chi cục đã triển khai áp dụng những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch các chế độ quản lý hải quan, tạo nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; đẩy mạnh công tác khai báo hải quan từ xa trong những năm qua và tiến đến thủ tục hải quan điện tử tại Đội Thủ tục.
Trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, Chi cục đã tuân thủ các quy định tại các văn bản luật và dưới luật về các hoạt động có liên quan đến công tác xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Hải quan. Công tác thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan, thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo các cấp trên; áp dụng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa xuất-nhập khẩu, giảm thiểu chi phí hành chính và thời gian thông quan, đảm bảo tạo thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu quản lý hải quan đối với các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế theo phương châm: Chuyên nghiệp-Minh bạch-Hiệu quả.  
Năm 1991, tình hình buôn lậu bắt đầu xuất hiện và ngày càng phát triển về mức độ, quy mô và thủ đoạn. Đối tượng buôn lậu là người trong nước và nước ngoài cấu kết tuồn hàng lậu từ nước ngoài vào nội địa các mặt hàng như: thuốc lá ngoại, động vật hoang dã, gỗ các loại và xuất lậu xăng dầu ra nước ngoài. Đỉnh cao là giai đoạn 1992-2006, với nhiều trường hợp chống trả người thi hành công vụ một cách quyết liệt, có đối tượng đã sử dụng súng bắn thẳng vào người và phương tiện của lực lượng chống buôn lậu khi bị phát hiện hoặc bị bắt giữ. 

Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, Hải quan Cửa khẩu phối kết hợp với lực lượng chức năng: Công an, Biên phòng và các đơn vị chức năng của nước bạn Campuchia ở trạm Ozadav thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý một cách cương quyết nên nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã giảm xuống theo từng năm và hiện nay đã giảm ở mức thấp nhất.

Khi mới thành lập, biên chế của đơn vị có 18 CBCC, hầu hết chưa được đào tạo nghiệp vụ. Đến nay, tất cả đều đã trải qua các lớp đào tạo về nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học và ngoại ngữ; bên cạnh đó là việc tăng cường đội ngũ nhân sự ngày càng hoàn thiện, trẻ hóa, nhờ đó chất lượng đội ngũ CBCC có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từng bước được nâng cao lên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhiều người trong số đó, nay đang đảm nhận những trọng trách nặng nề hơn trong ngành Hải quan 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, khách hàng tuân thủ pháp luật về hải quan; công tác tư vấn, giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan, chính sách thuế... đã được Chi cục duy trì thường xuyên qua mỗi lần quan hệ và giải quyết công việc. Công tác xã hội cũng đã được quan tâm đúng mức. Vừa qua, Chi cục đã đề xuất với Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, vận động CBCC trong toàn đơn vị đóng góp xây dựng tặng “Nhà tình nghĩa” cho gia đình chính sách tại xã Ia Dom.
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, lãnh đạo Cục Hải quan qua các thời kỳ, sự phối hợp của các đơn vị, ngành và địa phương có liên quan và địa bàn đứng chân, CBCC Chi cục HQCK Lệ Thanh đã không ngừng phấn đấu vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền đơn vị được công nhận tập thể lao động xuất sắc; nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp ngành với nhiều bằng khen, giấy khen của Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Chính phủ. Đặc biệt, đơn vị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Trong thời gian tới, Chi cục HQCK Lệ Thanh sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn-nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 của Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã được Tổng cục Hải quan phê duyệt; công khai hóa các quy trình thủ tục hải quan, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Để triển khai thủ tục hải quan điện tử trong thời gian tới, Chi cục đã chủ động chuẩn bị về hạ tầng cơ sở vật chất, trang-thiết bị công nghệ thông tin cũng như về con người, đồng thời tiến hành rà soát chọn một số doanh nghiệp tham gia ban đầu. 
Hiện tại đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai thủ tục hải quan điện tử tại Đội Thủ tục Hàng hóa Xuất nhập khẩu của Chi cục trong quý IV-2012. Chú trọng xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao ý thức tự học tập, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, duy trì và thực hiện tốt nền nếp công việc, cụ thể hóa bằng hành động theo đúng tinh thần “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” mà ngành đã cam kết với cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc triển khai thường xuyên liên tục và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 04/CT-BTC ngày 20-12-2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. 
Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với địa phương và các lực lượng chức năng tại địa bàn; giữ gìn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với trạm cửa khẩu phía bạn Campuchia để hoàn thành tốt chức năng quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư; giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới cửa khẩu.
Trần Lập (Chi cục trưởng)

Có thể bạn quan tâm