Thể thao

Tin tức

Những câu lạc bộ từng gặp phải "lời nguyền" Champions League

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trước Real Madrid, đã có bốn trường hợp không thể bảo vệ thành công chức vô địch Champions League dù lọt vào trận chung kết ngay sau mùa sau.

Các cầu thủ Real Madrid tập luyện trước trận đấu quan trọng. (Nguồn: Getty)
Các cầu thủ Real Madrid tập luyện trước trận đấu quan trọng. (Nguồn: Getty)


1. AC Milan (1994 -1995)

AC Milan của Fabio Capello đã kế thừa những tinh hoa mà Milan-Sacchi (câu lạc bộ cuối cùng bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu) để trở thành một trong những câu lạc bộ mạnh nhất thế giới vào giữa thập niên 90. Đỉnh cao của Milan-Capello khi đó là trận chung kết tại Athens với Barcelona của Johan Cruyff. Bất chấp việc mất bộ đôi trung vệ là Franco Baresi-Alessandro Costacurta cùng với thế cửa dưới, Rossoneri vẫn biết cách tạo ra địa chấn với chiến thắng 4-0.

Những truyền thuyết về cơn địa chấn Athens ngày đó vẫn còn được nói lại cho tới ngày hôm nay. Từ việc các cầu thủ Milan đã vui mừng ra sao khi Michael Laudrup không có tên trong danh sách thi đấu, Dejan Savicevic chọn lựa góc sút tung lưới Andoni Zubizarreta dâng cao, hay việc Cruyff chỉ vào Marcel Desailly trước trận và hỏi ai đây xong bị chính tiền vệ người Pháo ghi bàn ấn định tỉ số 4-0…

Bước sang mùa giải Champions League 1994/95, Milan tràn trề cơ hội bảo vệ thành công chức vô địch (lúc ấy hẵng vẫn chưa là lời nguyền) khi chỉ phải gặp Ajax Amsterdam trẻ trung của Louis Van Gaal trong trận chung kết. Nhưng kết quả thật bất ngờ, Ajax đã giành chiến thắng. Patrick Kluivert ở tuổi 19 là người ghi bàn duy nhất cho đội bóng Hà Lan sau pha đi bóng qua Franco Baresi. Sau khi tuột mất cơ hội này, Milan không bao giờ lọt vào hai trận chung kết Champions League thêm một lần nữa.

2. Ajax Amsterdam (1995-1996)

Tiếp bước Milan, Ajax tiếp tục lọt vào trận chung kết Champions League ngay mùa giải sau khi vô địch. Đối thủ của Ajax là Juventus đang trên đường trở lại thành thế lực của bóng đá lục địa già. Juve năm đó đã có Alessandro Del Piero nổi lên, cùng với kinh nghiệm của Gianluca Vialli, Fabrizio Ravanelli, Pietro Vierchowod hay Attilo Lombardo. Ajax vẫn giữ được những cá nhân đưa đội bóng này lên ngôi cách đấy một năm là thủ thành Edwin van der Sar, hai anh em nhà De Boer, Edgar Davids, nhạc trưởng Jari Litmanen hay Finidi George. Ravanelli đưa Juve dẫn bàn từ phút thứ 12. Litmanen san bằng tỉ số phút thứ 41.

Cuối cùng hai đội phải bước vào loạt sút luân lưu để quyết định thắng bại, và Juve với Angelo Peruzzi đã xuất sắc khuất phục thành công Ajax.

3. Juventus (1996-1997)

Sau chức vô địch Champions League. Juve chính thức trở thành câu lạc bộ mạnh nhất châu Âu với hàng công Alessandro Del Piero, Christian Vieri, Alen Boksic. Hàng tiền vệ “Bà đầm già” cũng được gia cố bởi Zinedine Zidane và Vladimir Jugovic. Hàng phòng ngự lần đầu xuất hiện đao phủ Paolo Montero. Với đội hình vào độ chín cùng với sự dẫn dắt của Marcello Lippi, việc Juve lọt vào trận chung kết mùa tiếp theo không khiến nhiều người bất ngờ. Đối thủ của Juve là Dortmund, câu lạc bộ đã đả bại Man United của Eric Cantona tại bán kết. Đội hình của Dortmund của Juergen Kohler, Andreas Moeller, Stefan Reuter là những người cũ của chính Juve, và Matthias Sammer, người vừa thi đấu chói sáng trong đội hình đội tuyển Đức vô địch EURO 1996.

 

Dortmund khiến Juventus gặp trái đắng trong mùa giải 1996-1997. (Nguồn: Getty)
Dortmund khiến Juventus gặp trái đắng trong mùa giải 1996-1997. (Nguồn: Getty)


Không ai nghĩ Juve sẽ thua nhưng Dortmund đã dội một gáo nước lạnh vào nhà đương kim vô địch với hai bàn chỉ trong có 5 phút của Karl-Heinz Riedle. Juve đã bị đổ gục sau cú đánh quá sức bất ngờ này của Dortmund. Dù Del Piero gỡ lại một bàn vào phút thứ 66 thì cũng chỉ mất đúng 5 phút để Dortmund tái hiện khoảng cách 2 bàn. Tài năng trẻ Lars Ricken là người ấn định tỉ số 3-1 cho đội bóng vùng Ruhr.

Người hâm mộ Juve thừa nhận trận thua này đã ảnh hưởng cực lớn tới họ và cả chính Juve. Sau trận thua này, Juve đã lọt vào thêm ba trận chung kết nữa (1998, 2003, 2015) nhưng đều thất bại.

4. Manchester United (2008-2009)

Man United với đỉnh cao của thế hệ Wayne Rooney-Cristiano Ronaldo cùng những cựu thần trong chức vô địch năm 1999 là Paul Scholes, Ryan Giggs đã giành một trong những chức vô địch đáng nhớ nhất vào năm 2008 tại Moscow. Đối thủ khi ấy của Quỷ đỏ là Chelsea của Avram Grant. Cristiano Ronaldo đưa M.U vươn lên dẫn trước nhưng Frank Lampard đã cân bằng tỉ số sau đó.

Hai đội đưa nhau vào hiệp phụ. Didier Drogba nhận thẻ đỏ sau khi tranh cãi với Nemanja Vidic. Đây cũng là quãng thời gian mà Joe Cole cũng như Lampard đưa bóng tìm tới khung gỗ của Van der Sar. Hai đại diện của Premier League cuối cùng phải bước vào loạt sút luân lưu. Ronaldo là người sút hỏng bên phía M.U. Nhưng cú trượt chân nổi tiếng của John Terry cùng với pha đá hỏng của Nicolas Anelka đã đưa cúp về Manchester.

Một năm sau, M.U loại Inter Milan, Porto và Arsenal để lọt vào trận chung kết Champions League năm thứ hai liên tiếp, đứng trước cơ hội là đội đầu tiên bảo vệ thành công cúp châu Âu. Đối thủ của M.U là Barcelona, đội đã tiễn Lyon, Bayern Munich và đặc biệt là Chelsea khỏi cơ hội được góp mặt tại Rome. M.U là câu lạc bộ được đánh giá cao hơn khi Barca mất cặp hậu vệ biên Daniel Alves - Eric Abidal vì án treo giò. Sylvinho chơi hậu vệ trái, Carles Puyol chơi hậu vệ phải. Yaya Toure được đẩy xuống đá cặp trung vệ với Gerard Pique.

Nhưng những chênh lệch về lực lượng ấy hóa ra không mang nhiều ý nghĩa. Tại Rome, Barca đã vươn lên dẫn 1-0 ngay từ phút thứ 10 do công của Samuel Eto’o, tiền đạo người Cameroon nhận đường chuyền của Iniesta đã xử lý cực khéo ở phạm vi hẹp trước khi dứt điểm bằng mũi giày vào góc hẹp đánh bại Van der Sar. Những phút sau đó, M.U có những cơ hội nhưng không thể nào đánh bại được Victor Valdes. Phút 70, Lionel Messi đóng đinh vào danh hiệu Quả bóng Vàng châu Âu lần đầu tiên trong sự nghiệp với pha lập công bằng đầu khiến Van der Sar chôn chân, và Barcelona giành chức vô địch châu Âu lần thứ ba trong lịch sử.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm