Những cây đa cổ thụ ở Ia Nueng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa-lịch sử độc đáo, trong đó có một số đại thụ gắn liền với ký ức và văn hóa cộng đồng. Tuy vậy, những cây xanh quý hiếm này dường như vẫn chưa được tôn vinh đúng tầm để phát huy giá trị, đặc biệt là trong phát triển du lịch. Làm hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản là một trong những cách cần tính đến. 
Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, 1 cây xanh muốn được công nhận là Cây di sản thì phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và văn hóa-lịch sử tùy theo nguồn gốc (cây trồng hoặc cây tự nhiên). Do vậy, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 đại thụ được công nhận là Cây di sản vào năm 2016. Đó là cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Từ khi được công nhận đến nay, cây đa làng Ghè đã được đưa vào các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện cùng với các điểm đến văn hóa-lịch sử, tạo sức hút đáng kể cho du lịch huyện biên giới.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Trên địa bàn thành phố có khá nhiều đại thụ nhưng chưa có cây nào được làm hồ sơ để công nhận Cây di sản. Điểm lại số cây này, ông Hà khẳng định, tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) có 3 cây đa vài trăm năm tuổi, rất xứng đáng được công nhận là Cây di sản. 
Cây đa cổ thụ ở làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Cây đa cổ thụ ở làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Lâu nay, Ia Nueng được du khách nhiều nơi biết đến thông qua vẻ đẹp của một ngôi làng điển hình với cây đa, giọt nước. Đặc biệt, hình ảnh 3 cây đa cổ thụ xòe tán lá vạm vỡ che mát cả một vùng đã mang lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.
Già làng Hmrik cho hay: Người dân không còn nhớ ai đã trồng những cây này từ lúc nào, chỉ biết rằng chúng đã sừng sững ở đấy từ xưa rất xưa. Ông chia sẻ: “Cha tôi lớn lên đã thấy mấy cây đa cao lớn như thế rồi, chắc cũng đã qua 3 đời người. Ngày xưa, lễ hội lớn của làng như pơ thi, mừng lúa mới… đều tổ chức dưới gốc đa”.
Già Hmrik kể thêm, trước đây, bà con quan niệm có thần linh trú ngụ trong những cổ thụ này để bảo vệ làng. Ngày còn nhỏ, ông Hmrik từng chứng kiến lễ cúng Thần Cây. Làng ngả thịt con heo, con dê cúng Yàng rồi mỗi nhà đều mang đến 1 ghè rượu. Già trẻ gái trai hòa trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã và những điệu xoang bất tận, vui say trọn 1 ngày.
Có thể thấy rõ một điều, không chỉ là cây xanh đơn thuần về mặt sinh học, những đại thụ này còn gắn liền với ký ức cộng đồng qua hàng trăm năm. Giờ đây, khi phong tục xưa dần mai một, cây lại lặng lẽ làm chứng nhân của nhịp sống thường ngày, ngắm nhìn lũ trẻ lớn lên, vui đùa nơi giọt nước, lắng nghe những cuộc chuyện trò của người làng trong lúc tránh nắng, rì rào che mát cho khách phương xa, lặng im vỗ về bao tâm hồn kiếm tìm sự tĩnh lặng…
Theo chúng tôi, trong số 3 đại thụ kể trên, cây to nhất có chu vi đến hơn 8 người ôm, cao trên 25 m. Phần diện tích nền xung quanh đã được đầu tư lát gạch sạch sẽ, dân làng đều nhắc nhau gìn giữ để những bóng cây luôn xanh mát. “Nếu một ngày nào đó vắng bóng những đại thụ này thì làng sẽ ra sao?”. Già Hmrik chắc nịch câu trả lời: “Mất cây đa, Ia Nueng đâu còn là làng. Ông bà xưa đã dặn dò con cháu không được đốt gốc, chặt cành. Nhờ vậy, cây mới xanh tươi đến ngày nay. Cây đa là linh hồn, là sức mạnh của làng, không được để mất đâu”.
Đối chiếu với những tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, có thể thấy, những cây đa ở làng Ia Nueng đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được công nhận là Cây di sản, vấn đề còn lại là sự quan tâm của chính quyền và các ban, ngành liên quan.
Một khi được công nhận, “di sản xanh” này sẽ góp phần phát huy giá trị vùng đất, khẳng định mục tiêu xây dựng Pleiku trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Cùng với việc phục dựng các lễ hội, nghi lễ gắn liền với chủ thể ấy, thành phố sẽ có thêm một điểm đến lý thú dành cho khách phương xa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa và tạo sức hút khi nhu cầu tìm về với thiên nhiên trong lành đang là xu hướng mà nhiều du khách hướng đến. 
 
LAM NGUYÊN