Giáo dục

Tuyển sinh

Những chính sách du học có hiệu lực từ năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tầm quan trọng của sinh viên quốc tế đối với các quốc gia du học, từ khía cạnh kinh tế, nhân lực đến đa dạng chủng tộc, màu da ngày càng được nhấn mạnh trong các chính sách du học công bố vào năm 2023. Tuy nhiên trong năm 2024 các quốc gia cũng có những thay đổi về chính sách du học.
Sinh viên quốc tế tại Úc, một trong những quốc gia liên tục có nhiều thay đổi trong chính sách du học trong năm 2023. ẢNH ANDY PHẠM





Sinh viên quốc tế tại Úc, một trong những quốc gia liên tục có nhiều thay đổi trong chính sách du học trong năm 2023. ẢNH ANDY PHẠM

Nhiều biện pháp bảo vệ du học sinh

Để thu hút sinh viên quốc tế trong giai đoạn đại dịch, các quốc gia như Úc, Canada và Anh đã nới lỏng, mở rộng nhiều chính sách du học như thị thực, quyền làm việc, cơ hội nhập cư. Song, sự bùng nổ về số lượng du học sinh ngay sau khi mở cửa biên giới đã tạo ra nhiều vấn đề tiêu cực như khủng hoảng nhà ở hay nạn trục lợi giáo dục, buộc các nước phải siết lại các chính sách để bảo vệ quyền lợi người học.

Cụ thể, Úc tăng yêu cầu về chứng minh tài chính, loại bỏ hình thức học song song và thị thực Covid-19. Trong khi đó, chính phủ Anh cấm sinh viên quốc tế chuyển sang thị thực làm việc trước khi hoàn thành chương trình đào tạo, còn Canada buộc các trường phải trực tiếp xác minh thư mời nhập học của sinh viên quốc tế với cơ quan di trú thay vì chỉ dừng ở bước gửi thư mời như trước.

Trái ngược với diễn biến của những điểm đến du học hàng đầu, một số quốc gia Bắc Âu từ lâu đã xem sinh viên quốc tế là nhân tố góp phần làm tăng thêm sự đa dạng và chào đón người học từ những nước khác với chi phí thấp. Song, sự chuyển dịch về quan điểm chính trị đã khiến Na Uy và Phần Lan quyết định tăng học phí đối với sinh viên ngoài khối Liên minh châu Âu vào năm 2023, theo trang The PIE News.

Đức thì được cho là "thiên đàng" của sinh viên quốc tế, khi quốc gia này đón nhận số du học sinh ở mức kỷ lục nhờ học phí thấp và các lựa chọn công việc hấp dẫn sau khi tốt nghiệp. Còn Mỹ tương đối im lặng về chính sách, và đây cũng có thể là quốc gia duy nhất mà những nhà quản lý giáo dục muốn có sự can thiệp nhiều hơn từ chính phủ, ví dụ như thiết kế chiến lược quốc gia.

Một tòa nhà tại ĐH Harvard, Mỹ

Một tòa nhà tại ĐH Harvard, Mỹ

Ở bên kia bán cầu, do ảnh hưởng từ việc đóng cửa biên giới trong thời gian dài, New Zealand vẫn đang chật vật trong quá trình phục hồi số lượng sinh viên quốc tế trở về mức trước đại dịch. Viễn cảnh này có thể thành sự thật trong năm tới khi chính phủ mới của quốc đảo này hứa sẽ mở rộng quyền làm việc, đẩy nhanh quá trình xử lý thị thực và cho phép sinh viên quốc tế định cư sau khi tốt nghiệp.

Quy định mới có hiệu lực từ năm 2024

Một trọng tâm khác trong chính sách của Úc là cắt giảm lượng người nhập cư. Nổi bật trong số đó là tăng yêu cầu về tiếng Anh từ đầu năm 2024. Cụ thể, ứng viên phải đạt IELTS 6.0 (hoặc chứng chỉ khác tương đương) thay vì 5.5 như trước để nộp đơn xin thị thực du học, và IELTS 6.5 thay vì 6.0 với thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp. Với chương trình tiếng Anh hay khóa dự bị ĐH, con số này lần lượt là IELTS 5.0 và 5.5.

Úc cũng sẽ thay thế thư trình bày kế hoạch học tập trong đơn xin thị thực du học bằng bài thi dành cho người học chân chính, đồng thời cam kết đơn giản hóa thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp, hạn chế việc "nhảy" thị thực bằng cách xem xét kỹ hơn đơn xin thị thực lần hai của du học sinh... Nước này cũng rút ngắn thời hạn làm việc sau khi tốt nghiệp đối với hệ thạc sĩ ứng dụng (còn 2 năm) và bậc tiến sĩ (còn 3 năm).

Ở Anh, từ tháng 1.2024, chỉ những sinh viên quốc tế đang theo học chương trình thạc sĩ nghiên cứu và tiến sĩ mới được phép dẫn theo thân nhân đi cùng. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng nâng chuẩn thị thực lao động lành nghề và xét lại thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, mức lương tối thiểu mà lao động ngoại quốc phải đạt được để xin thị thực lao động lành nghề tăng lên 38.700 bảng/năm (1,2 tỉ đồng). Mặt khác, thời hạn thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp có khả năng giảm còn 6 tháng thay vì lên đến 3 năm như trước.

Sinh viên quốc tế tại Anh. ẢNH UNIVERSITY OF SOUTHAMPTON

Sinh viên quốc tế tại Anh. ẢNH UNIVERSITY OF SOUTHAMPTON

Nếu chọn điểm đến Canada, ngoài học phí và phí đi lại, du học sinh phải chứng minh mình có sẵn 20.635 CAD (376 triệu đồng) để xin giấy phép du học. Yêu cầu mới này tăng gấp đôi so với mức cũ là 10.000 CAD và có hiệu lực từ ngày 1.1.2024. Canada cũng cảnh báo các trường chỉ gửi thư mời nhập học nếu có thể sắp xếp chỗ ở cho sinh viên quốc tế, đồng thời cho phép làm thêm không giới hạn đến ngày 30.4.2024.

Từ năm 2024, các trường ĐH cũng công bố nhiều chính sách tuyển sinh mới. Như ở Hàn Quốc, từ kỳ mùa xuân, các trường sẽ không còn yêu cầu du học sinh nộp bài luận, bản tự giới thiệu hoặc kế hoạch học tập, đồng thời nới lỏng yêu cầu về ngoại ngữ. Hay tại Trung Quốc, nhiều trường buộc ứng viên chứng minh tài chính và có chứng chỉ năng lực tiếng Trung cấp độ 4 trở lên, dù trước đây hiếm nơi yêu cầu.

Có thể bạn quan tâm