Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Những "cột mốc di động" ở Ia HDrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay khi vừa thành lập (4-3-2014), Chi nhánh Công ty 716 (Binh đoàn 15) đã phải chịu rất nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Dẫu vậy, cán bộ, chiến sĩ, công nhân của Chi nhánh vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống của Binh đoàn anh hùng, chung sức, đồng lòng vượt qua gian khó, quyết tâm bám trụ trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia...

Lãnh đạo đơn vị đi thăm cánh đồng lúa nước. Ảnh: Văn Thiền

Ò

6 giờ 30 phút sáng, chiếc xe Mitsubishi của Binh đoàn 15 đưa chúng tôi rời TP. Pleiku đi theo tỉnh lộ 664 qua Thủy điện Sê San 4 sang Chi nhánh Công ty 716 đứng chân trên địa bàn huyện Ia HDrai-một huyện mới thành lập của tỉnh Kon Tum.

Ngồi trên xe, Thượng tá Hoàng Đức Tỏa-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Chi nhánh hóm hỉnh: “Nét đặc trưng của 716 là đa sắc tộc, “sinh con rồi mới sinh cha”, lực lượng lao động trẻ nhất Binh đoàn và cũng là những công dân đầu tiên của xã, Đội trưởng đội sản xuất là trưởng thôn, Tổ trưởng bảo vệ là công an viên...”. Sở dĩ anh nói như vậy bởi Chi nhánh Công ty 716 được thành lập trên cơ sở các đội sản xuất của Công ty 75 và Công ty 78 (2 trong số các công ty chủ lực của Binh đoàn 15) với trên 3 ngàn ha cao su, trong đó có gần 1,5 ngàn ha đã đến thời kỳ kinh doanh nhưng do giá mủ giảm sâu nên chưa mở miệng cạo. Hiện Chi nhánh có 12 đội sản xuất trải dài trên 50 km dọc tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia thuộc địa bàn 2 xã: Ia Dal và Ia Tơi. Đây là các xã đặc biệt khó khăn của huyện Ia HDrai. 100% lao động của đơn vị đều ở độ tuổi thanh niên thuộc 12 dân tộc anh em trên khắp đất nước quy tụ về (trong đó dân tộc Thái chiếm 49,66%). Địa bàn đứng chân không có dân bản địa nên người lao động của đơn vị chính là dân địa phương (xã chưa có trung tâm hành chính và 92% dân số là công nhân của các doanh nghiệp).

Mải trò chuyện, chúng tôi đã có mặt tại Đội 8. Trung úy Văn Trọng Vương-Phó Đội trưởng đội 8 niềm nở: Đội 8 có 47 cán bộ, công nhân, trong đó có 19 cặp vợ chồng làm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc 328,67 ha cao su và là đơn vị đầu tiên của Chi nhánh làm lúa nước, đảm bảo tự túc được lương thực. Năm 2015, đơn vị cấy 1,5 ha thu được 6 tấn lúa chia cho các hộ. Ngoài việc khoán chăm sóc mỗi người 10 ha cao su với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, đơn vị còn tạo điều kiện cho người lao động trồng thêm bắp, mì, lúa để tăng thu nhập. Nói rồi, Trung úy Vương dẫn chúng tôi đi xem cánh đồng lúa nước của đơn vị. Trên khu hợp thủy rộng khoảng 10 ha, một số thửa ruộng lúa đã bén rễ lên xanh mơn mởn, có những thửa mới được khai hoang, phục hóa. Khoảng 30 công nhân đang lao động trên cánh đồng, nhóm nhổ mạ, nhóm cấy lúa. Họ vừa làm, vừa trêu ghẹo nhau râm ran. Thấy chúng tôi đến, chị Tôn-công nhân đội 5 cắm nốt nắm mạ trên tay ngẩng lên tươi cười chào hỏi. Chị khoe cả hai vợ chồng quê ở Thanh Hóa đều được nhận vào làm công nhân của đội 5. Ngoài lương nhận khoán chăm sóc cao su, gia đình còn tận dụng bờ lô, diện tích hợp thủy trồng 2 ha mì (mỗi năm thu 16 tấn), 300 cây điều nên cũng đủ lo cho 2 con ăn học. Năm nay, đội 5 được chia ruộng làm lúa nước. Tổ của chị được 4 thửa (khoảng 500 m2 đến 1 sào/thửa) để cấy chung, đến mùa sẽ thu hoạch lúa chia cho các gia đình.

Rời đội 8, chúng tôi đến thăm các gia đình ở đội 12-đơn vị khó khăn nhất của Chi nhánh. 9 ngôi nhà tạm là tổ ấm của 18 công nhân lao động nằm ẩn mình dưới tán cao su. Bước vào nhà đôi vợ chồng trẻ Cầm Bá Mạnh và Hà Thị Đàng (dân tộc Thái), tôi không khỏi ái ngại trước những khó khăn mà họ đang đối mặt. Thế nhưng trên gương mặt họ lại rạng ngời niềm tin vào tương lai. Đàng vui vẻ: Chúng em là “lính nhảy dù” (vào thăm gia đình rồi ở lại) đấy chị ạ. May được đơn vị nhận vào làm công nhân, tuy lương còn thấp nhưng so với ở quê vẫn sướng hơn nhiều. Ở quê, chúng em chỉ biết đi hái măng lúc có, lúc không, cuộc sống rất bấp bênh. Vì vậy, bọn em đã xác định dù thế nào cũng gắn bó với đơn vị. Sắp tới, đơn vị xây xong trụ sở và khu tập thể thì chúng em không còn phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ này nữa. Kế nhà Đàng là nhà của Hà Thị Ót (dân tộc Thái). Ót mới sinh đứa con thứ hai được 1 tháng. Đứa bé nằm trên chiếc giường được làm bằng nứa đập dập, nhưng bù lại, nó được tất cả các ông bố, bà mẹ ở đây chung tay chăm sóc.

Trên đường về trụ sở Chi nhánh, Thượng tá Hoàng Đức Tỏa ngậm ngùi: Mặc dù chúng tôi đã cố gắng tạo mọi điều kiện, từ việc cho ứng lương thực, thực phẩm ở căng tin của Chi nhánh khi chưa có lương, đầu tư máy móc khai hoang, phục hóa ruộng làm lúa nước, cho các hộ tận dụng diện tích bờ lô, hợp thủy làm kinh tế phụ, đến cử 4 người trực tiếp nấu ăn hàng ngày cho các cháu đi học xa nhà nhưng cuộc sống của anh chị em công nhân vẫn còn rất khó khăn. Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2018 khai hoang thêm 10 ha lúa nước nữa để đảm bảo tự túc lương thực cho các gia đình. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, tạo điều kiện tốt nhất có thể để người lao động yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Bởi họ chính là những “cột mốc di động” khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

 Nguyễn Dung- Văn Thiền

Có thể bạn quan tâm