(GLO)- Không chỉ là tấm gương sáng để dân làng noi theo, nhiều già làng ở huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã phát huy vai trò trung tâm đoàn kết cộng đồng trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng-an ninh tại địa phương.
Vận động người dân bảo vệ an ninh biên giới
Gần chục năm làm già làng, ông Siu Bình Chueng (làng Sơn, xã Ia Nan) luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc. Bởi lẽ, ông hiểu rằng, biên giới có bình yên thì dân làng mới yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Chueng tâm sự: “Được bà con tín nhiệm bầu làm già làng, trước hết, mình phải gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, mình tuyên truyền, vận động bà con không vượt biên, không phá rừng làm rẫy. Đối với những hộ có rẫy ở khu vực biên giới thì tích cực sản xuất nhưng không xâm canh, không làm thay đổi hiện trạng. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ ổn định”.
Tương tự, ông Siu Deo cũng đã có hơn 7 năm đảm nhận cương vị già làng Mook Đen 2, xã Ia Dom. Làng nằm ở khu vực biên giới, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, ông Deo thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ an ninh biên giới, không vượt biên; xóa bỏ tập tục lạc hậu, thi đua sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. “Tôi thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ đội Biên phòng tham gia tuần tra bảo vệ biên giới; thông báo cho lực lượng chức năng khi có người lạ xâm nhập khu vực biên giới. Nhờ đó, lực lượng Biên phòng nắm bắt được thông tin để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đem lại bình yên cho vùng biên giới”-ông Deo chia sẻ.
Ông Siu Deo (bìa phải) trao đổi với cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ về công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh: Lê Nam |
Ông Rơ Lan Húch-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Dom-cho hay: Trên địa bàn xã có 4 già làng. Các già làng luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn dân cư. Đặc biệt, Ia Dom là xã vùng biên nên các già làng thường xuyên cùng các cơ quan, ban ngành, bội đội Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ biên giới quốc gia.
Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Ông Nguyễn Đình Hoàng-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ: Những năm qua, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Thông qua “cầu nối” là các già làng, người có uy tín, cấp ủy, chính quyền địa phương hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết nhanh và thấu đáo những vụ việc phát sinh từ cơ sở, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. |
Không chỉ tích cực tham gia bảo vệ an ninh biên giới, ông Siu Bình Chueng còn đi đầu trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”… Sở hữu hơn 1 ha điều, 2 ha cao su, 1 ha cà phê và hơn 1.000 m2 ao cá, mỗi năm, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng. Có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, ông Chueng luôn tuyên truyền, phổ biến để bà con cùng làm. “Muốn vận động người dân thì mình phải gương mẫu làm trước. Mình hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong làng có kinh tế ngày càng khá hơn, xây dựng được nhà cửa khang trang”-ông Chueng vui vẻ nói.
Ở làng Trol Đeng (thị trấn Chư Ty), già làng Puih Hiơng được bà con hết sức tín nhiệm bởi sự gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung. Già làng cho biết: “Tôi đã vận động người dân đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, làm nhà vệ sinh, di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở; xóa bỏ các hủ tục để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời, tôi phối hợp với Ban Nhân dân thôn, các hội, đoàn thể hòa giải các vụ mâu thuẫn trong làng. Đặc biệt, tôi phối hợp với Công an, Mặt trận tuyên truyền, vận động, giáo dục cảm hóa hàng chục đối tượng theo “Tin lành Đê ga”. Từ đó, nhiều người nhận thấy lỗi lầm, quyết tâm từ bỏ “Tin lành Đê ga”.
LÊ NAM