Gần dân, lo cho dân
Hơn 10 tháng nay, bất kể trời nắng hay mưa, ngày mùa bận rộn hay lúc nông nhàn, cứ đều đặn vào 18 giờ 45 phút từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, ông Y Hăng-Trưởng thôn Mơ Nú (xã Chư Á) lại đi đến nhà từng người dân có tên trong danh sách tham gia lớp xóa mù chữ của xã để gọi bà con tới lớp. Sau đó, ông lật đật về nhà chở vợ cùng đi học. Và để động viên, khích lệ tinh thần mọi người học tập đầy đủ, chăm chỉ hơn, bản thân ông cũng ngồi chung lớp như một học viên.
Hình ảnh vị trưởng thôn giản dị, luôn gần gũi với người dân, tận tụy với từng công việc của làng đã trở nên quen thuộc với bà con làng Mơ Nú. Chị H'Then tâm sự: “Mỗi lần làng có việc gì, ông Y Hăng đều tham gia rất nhiệt tình với bà con. Ông cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các hộ dân trong làng. Trước đây, chúng tôi chưa một lần đi học. Giờ nói đi học, nhiều người rất ngại vì đã lớn tuổi. Nhưng được ông động viên và cùng tham gia học nên không ai còn ngại nữa. Bữa nay được đi học, biết chữ, tự viết được nên sung sướng lắm”.
Sinh ra và lớn lên tại làng Mơ Nú, ông Y Hăng thấu hiểu được cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân. Ông chia sẻ: Bà con dân tộc Jrai ở đây còn hạn chế về trình độ học vấn. Làng vẫn còn khoảng vài chục người trung niên và cao tuổi chưa biết chữ do cuộc sống trước đây khó khăn, không có điều kiện tới lớp. Chứng kiến cảnh người dân mù chữ, ông thấy họ thiệt thòi quá. Bố mẹ mù chữ thì làm sao dạy được con, rồi mỗi khi lên xã làm giấy tờ gì hay đi bệnh viện thì chỉ biết lăn tay điểm chỉ. Không biết chữ thì cuộc sống sẽ mãi khổ. Nhưng vận động được bà con đi học là cả một khó khăn lớn, bởi lẽ, bà con lao động tay chân cả ngày vất vả, tối lại đến lớp học nên ai cũng ngại ngần. Do đó, mình phải là người đồng hành cùng bà con trong hành trình đi tìm con chữ. Bà con tới lớp, mình cũng phải đi cùng. Khi trình độ người dân được cải thiện thì việc tuyên truyền, vận động họ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ thuận lợi hơn.
Ông Y Hăng (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ làng Mơ Nú nhận bằng công nhận làng đạt chuẩn NTM năm 2023. Ảnh: Đăng Quang |
Ông Y Hăng cho biết thêm, làng Mơ Nú hiện có 370 hộ với 1.775 khẩu, trong đó, hơn 97% là người dân tộc Jrai. Trước đây, đời sống rất khó khăn do người dân gần như làm ăn tự phát, chủ yếu trồng cà phê, lúa, bắp, nuôi heo, gà… nhưng mạnh ai nấy làm và chỉ làm theo kinh nghiệm, không có kiến thức, kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Là trưởng thôn, ông luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế giúp bà con thoát nghèo. Ông đã cùng với các tổ chức đoàn thể đến từng nhà hộ nghèo tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ vốn để họ có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, ông còn hướng dẫn người dân đăng ký làm công nhân cho các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku; hướng dẫn Chi hội Phụ nữ làng đứng ra nhận bóc tách hạt điều cho các công ty đứng chân trên địa bàn thành phố; vận động người dân cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiều công trình, phần việc trong công tác giảm nghèo, xây dựng NTM.
Người dân làng Mơ Nú (xã Chư Á) tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM. Ảnh: Đăng Quang |
Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường làng đã được bê tông hóa, ông Y Hăng cho biết: Trước đây, đường làng bị xuống cấp trầm trọng, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi. Trước tình hình đó, ông cùng với cấp ủy chi bộ đưa ra bàn bạc tại các cuộc họp để thống nhất chủ trương huy động sức dân làm đường giao thông. Tuy nhiên, việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường trục xóm gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng, kinh phí, trong khi công tác vận động các hộ hiến đất mở đường không dễ dàng. Với quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra, ông Y Hăng đã cùng già làng và các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con đóng góp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời, vận động gia đình, người thân gương mẫu đi đầu thực hiện. Dần dần, bà con hiểu rõ mục đích của chương trình xây dựng NTM nên tích cực hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, tiền của để thực hiện.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay góp sức của người dân, đến nay, trên 90% tuyến đường trục xóm, đường nội đồng của làng Mơ Nú đã được bê tông hóa, giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi. Nhìn hình ảnh làng xóm phong quang, sạch đẹp, người dân ai cũng phấn khởi, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
“Trách nhiệm của người cán bộ là phục vụ Nhân dân”
Nhắc đến ông RCơm Hội-Phó Trưởng thôn Bruk Ngol (phường Yên Thế), người dân trong làng đều thể hiện sự quý mến, kính trọng. Bởi lẽ, hơn 15 năm tham gia các hoạt động xã hội, kinh qua nhiều chức vụ như: Trưởng ban Công tác Mặt trận, Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn... bằng uy tín, trách nhiệm và sự tận tâm của mình, ông Hội đã trở thành sợi dây kết nối giữa người dân với Đảng, chính quyền trong triển khai các phong trào của địa phương.
Những ngày đầu tháng 9-2023, chúng tôi đến nhà rông của làng Bruk Ngol khi ông Hội đang tất bật quét dọn lá cây, lau chùi bàn ghế và mô hình đồ chơi trong khuôn viên. Gặp chúng tôi, ông bộc bạch: “Do nghỉ hè, điểm trường mẫu giáo bên cạnh không có ai trông nom, mô hình đồ chơi thì nhiều lại để ngoài sân, sợ mưa bụi bẩn, các cháu đi ngoài đường vào nghịch sẽ hỏng nên tôi đem về đây cất giữ, bảo quản cho yên tâm. Tranh thủ ngày nghỉ, tôi đem ra lau chùi để chuyển lại cho trường chuẩn bị năm học mới”.
Đối với ông RCơm Hội, đã là người cán bộ thì dù việc nhỏ hay lớn cũng đều phải làm hết sức mình để phục vụ bà con. Ảnh: Đăng Quang |
Ông Hội cho rằng, trách nhiệm của người cán bộ là phục vụ Nhân dân nên việc nhỏ hay lớn đều phải làm hết sức mình. Để tuyên truyền, vận động bà con trong làng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước hết, mình và gia đình phải gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua.
Theo ông Hội, trước đây, nhận thức của người dân trong làng còn hạn chế. Theo tập tục của người Jrai, mỗi lần ốm đau, bà con không đi bệnh viện mà thường giết gà, heo, bò để cúng Yàng chữa bệnh. Nhiều nhà không có tiền phải đi mượn để cúng nên cuộc sống lúc nào cũng nghèo đói, rơi vào vòng luẩn quẩn. Tình trạng tảo hôn trong làng cũng diễn ra khá phổ biến. Thế nhưng, để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi không phải là chuyện dễ. Đa số bà con đều làm nông, sáng lên rẫy, chiều tối mới về nhà, cán bộ muốn xuống tuyên truyền, vận động phải chờ đến chiều tối. Có khi vào ngày mùa phải chờ mấy tiếng mới gặp được. Nhưng nhiều hôm bà con đi làm về mệt, không tiếp chuyện, cán bộ đành lủi thủi ra về, hôm sau lại đến.
Tuy nhiên, với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” và tinh thần không ngại khó, ngại khổ, ông vẫn kiên trì, nhẫn nại trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chăm lo phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Ông luôn quan tâm, gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp hỗ trợ kịp thời, qua đó tạo được lòng tin tưởng của dân làng. Vì vậy, mỗi khi có việc gì cần triển khai, ông đều được bà con đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia.
Ông Hội phấn khởi khoe với chúng tôi, từ năm 2020 đến nay, ông và cán bộ thôn đã vận động người dân đóng góp được trên 200 triệu đồng để làm 2 tuyến đường bê tông và lắp điện chiếu sáng đường làng; đồng thời, vận động bà con ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, phòng-chống Covid-19... với số tiền hàng chục triệu đồng. Các tập tục lạc hậu trong làng cũng dần được xóa bỏ. Mới đây, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, ông đã phối hợp với Chi hội Phụ nữ vận động thành lập 1 đội cồng chiêng và đội múa xoang với 35 thành viên, thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các dịp lễ hội của làng, của phường và thành phố. Để có kinh phí duy trì hoạt động, ông cùng cán bộ thôn vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ. Ông còn phối hợp với Chi hội Nông dân vận động thành lập một tổ trồng lúa với 22 thành viên để bà con trao đổi kinh nghiệm làm lúa nước, giúp đỡ nhau trong thu hoạch vụ mùa, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Ông Ksor Hyuih-già làng Bruk Ngol-cho biết: “Làng có 218 hộ, trong đó có 88 hộ theo đạo Tin lành, 5 hộ theo đạo Thiên chúa. Nhiều năm qua, ông RCơm Hội luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo, xây dựng NTM. Ông còn tích cực vận động người dân không tham gia các tệ nạn xã hội, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục vượt biên sang Campuchia”.
Ông RCơm Hội được UBND phường Yên Thế khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023. Ảnh: Đăng Quang |
Đến làng Bruk Ngol hôm nay có thể thấy rõ được sự đổi thay với nhiều ngôi nhà mới khang trang, phần lớn đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, không còn tình trạng chuồng trại chăn nuôi gần nhà ở. Nhà nào cũng làm hàng rào, trồng hoa, cây cảnh đẹp mắt. Người dân đã biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Diện tích gieo trồng của làng ngày càng tăng với 63 ha gồm: 46 ha cà phê, 15 ha lúa nước, 2 ha hồ tiêu. Đến nay, làng không còn hộ nghèo và chỉ còn 5 hộ cận nghèo, không còn gia đình nào ở nhà tạm; số hộ có mức sống từ trung bình trở lên và số hộ khá, giàu tăng đáng kể so với các năm trước đây.
Nhìn căn nhà cấp 4 khang trang vừa được hỗ trợ xây mới, ông Siu Hùng không giấu được niềm vui. Ông xúc động: “Gia đình mình là hộ cận nghèo của địa phương, lo cái ăn đã khó, nói gì đến chuyện sửa sang nhà cửa. Nhờ được ông RCơm Hội kết nối, vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ 50 triệu đồng mua vật liệu và bà con trong làng giúp ngày công xây dựng nên gia đình mình mới có được căn nhà tươm tất. Giờ mình có thêm động lực để cố gắng làm ăn, hướng tới cuộc sống ấm no”.
Nhận xét về ông RCơm Hội, ông Nguyễn Tiến Định-Bí thư Chi bộ làng Bruk Ngol-cho hay: “Ông RCơm Hội được bà con trong làng rất quý mến, tin tưởng bởi ông luôn hết lòng vì công việc, tích cực hỗ trợ phường phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua. Ông là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân trong việc tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Tạo động lực để người dân chung tay xây dựng NTM
Hơn 5 năm làm Bí thư Chi bộ rồi Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhao 1 (xã Ia Kênh), ông Puih Byup đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng làng Nhao 1 trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của thành phố.
Ông Byup chia sẻ: “Khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ rồi Trưởng thôn, tôi xác định đây là nhiệm vụ khó khăn bởi xuất phát điểm của làng còn thấp, đời sống bà con khó khăn, ý thức tham gia phong trào chung chưa cao. Do đó, tôi đã tích cực vận động cán bộ, đảng viên và người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương”.
Nói đi đôi với làm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Puih Byup đã cùng Mặt trận và các đoàn thể của làng, xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, từng bước tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc xây dựng NTM. Khi đã hiểu ra và đồng thuận, người dân sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường, cùng nhau đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công để xây dựng NTM.
Ông Puih Byup (thứ 2 từ trái sang) tích cực tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Đăng Quang |
Bà Puih Bech cho biết: Trước đây, khi làng có chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng đường từ 4 m lên 7 m và đóng góp tiền để làm đường giao thông nông thôn, gia đình bà vì tiếc đất nên cứ chần chừ, không đồng ý. Thế nhưng, khi được Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Byup và cán bộ của làng tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, gia đình bà dần hiểu ra việc làm đường giao thông nông thôn là để phục vụ việc đi lại của dân làng được thuận tiện hơn, vừa tạo cảnh quan khang trang cho làng. Do đó, gia đình bà đã tự nguyện hiến đất, đồng thời tích cực đóng góp ngày công để chung tay làm đường.
Từ năm 2017 đến nay, 216 hộ dân làng Nhao 1 đã đoàn kết, cùng nhau làm được được 7 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài trên 3 km, có rãnh thoát nước và trồng hoa ven đường. Đầu năm 2021, làng Nhao 1 được UBND TP. Pleiku công nhận đạt chuẩn làng NTM trong đồng bào DTTS.
Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận xây dựng NTM, ông Puih Byup còn luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ông cho biết, cuối năm 2021, khi cơn sốt đất len lỏi về làng, giá đất tăng cao cùng với những chiêu trò dụ dỗ của “cò đất”, một vài hộ gia đình trong làng đã không ngần ngại cắt phần đất đang sản xuất, đang ở để bán. Một số gia đình khác thì bỏ bê đồng ruộng, chờ đợi vận may bán đất giá cao. Họ không lường hết được mai này cuộc sống sẽ ra sao khi đất ở bị thu hẹp, đất sản xuất không còn. Để ngăn chặn tình trạng trên, ông đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho bà con bằng nhiều hình thức phù hợp như tới nhà từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, gặp đâu nói đó và lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp dân; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông giải thích cho bà con hiểu chỉ có chăm chỉ làm ăn trên chính mảnh đất của tổ tiên để lại mới mong có cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Nhờ sự tâm huyết của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Puih Byup, nhận thức của người dân làng Nhao 1 dần thay đổi. Những năm gần đây, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như trồng rau màu, mía tím và chăn nuôi bò, heo sinh sản... Đến nay, đời sống của người dân đã được nâng cao, đa số các hộ đều có phương tiện nghe nhìn, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Làng hiện chỉ còn 4 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40 triệu đồng/năm.
Người ướt đẫm mồ hôi, tay thoăn thoắt thu hoạch những cây mía tím căng tròn, mọng nước, bà Ralan Dĩ vui vẻ cho biết: “Trước khi chuyển sang trồng mía, gia đình mình đã trồng nhiều loại cây ngắn ngày như bắp, lúa song thu nhập chẳng đáng là bao. Nhờ anh Byup và cán bộ khuyến nông của xã động viên, hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng 2 sào mía, vay mượn thêm tiền mua 2 bò sinh sản. So với cây lúa, mía tím cho thu nhập gấp 4 lần. 2 bò sinh sản mỗi năm đều đẻ bê con. Nhờ đó, cuộc sống gia đình mình dần đầy đủ, sung túc”.
Làng Nhao 1 là điểm sáng trong xây dựng NTM của TP. Pleiku. Ảnh: Đăng Quang |
Nhận xét về ông Puih Byu, ông Hà Anh Vũ-Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ia Kênh-cho biết: “Những năm qua, nhờ sự tận tụy, sáng tạo, hết mình với công việc, đồng chí Byup đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đưa làng Nhao 1 trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của xã và thành phố, là tấm gương để các đơn vị khác làm theo”.
Có thể thấy, không chỉ những người có thâm niên mà nhiều cán bộ trẻ ở các thôn, làng trên địa bàn TP. Pleiku đã trở thành cầu nối giúp Đảng hiểu lòng dân, để dân càng vững tin vào Đảng. Những cán bộ có năng lực, giàu nhiệt huyết, được sinh ra từ làng nên hơn ai hết, họ hiểu rõ người dân làng mình đang cần gì để từ đó tìm ra những cách làm thiết thực, phù hợp, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Trên khắp TP. Pleiku còn biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên đang giữ mạch nối giữa ý Đảng-lòng dân bền chặt như thế. Họ chính là những người truyền cảm hứng, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Họ đang sống giữa lòng dân, dành sự tin yêu của đồng bào các DTTS, tận tụy chăm lo sự nghiệp kiến thiết, dựng xây cuộc sống ấm no, bình yên cho buôn làng.