Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 9-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Chủ trì hội thảo có Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi-Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đoàn Triệu Long-Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Ngọc Giang-Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai.

1-1636.jpg
Các đồng chí chủ trì hội thảo chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Đức Thụy

Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số vụ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Trường Chính trị các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum; các nhà khoa học và các diễn giả.

Về phía tỉnh Gia Lai, tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo một số đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đại diện lãnh đạo trường cao đẳng và một số phân hiệu trường đại học trên địa bàn; đại diện người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

Diễn đàn khoa học

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn bày tỏ niềm vinh dự khi lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III phối hợp với Tỉnh ủy tổ chức hội thảo với những chủ đề rất thiết thực, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra không chỉ đối với tỉnh Gia Lai mà cả khu vực Tây Nguyên.

Hội thảo là diễn đàn khoa học để các đại biểu trao đổi, thảo luận và kiến nghị, đề xuất các giải pháp, định hướng chính sách nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong thời gian đến. Đây cũng là dịp biểu dương, tôn vinh những đóng góp hết sức quan trọng của đội ngũ người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Đồng thời, tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm, chăm lo, xây dựng, phát triển đội ngũ người có uy tín tại địa phương trong thời gian đến.

22-7695.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng tại hội thảo này, các đại biểu quan tâm trao đổi, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn về những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra đối với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ người có uy tín.

Trên cơ sở đó, cùng thảo luận các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất các định hướng và kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ người có uy tín tại các địa phương, nhất là trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh”.

Đề dẫn hội thảo, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” của bản làng”.

Tỉnh Gia Lai hiện có 955 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có 609 người dân tộc Jrai (chiếm 63,77%), 299 người dân tộc Bahnar (chiếm 31,3%), dân tộc khác là 47 người (chiếm 4,93%); có 174 người có uy tín là đảng viên đang trực tiếp tham gia vào hoạt động của tổ chức Đảng cơ sở (chiếm 18,22%), 93 người đang là trưởng thôn (chiếm 9,74%).

Việc phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở nói chung, trong vùng dân tộc thiểu số nói riêng những năm qua được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm, hỗ trợ về vật chất, tinh thần; được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cũng như các kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng…

33-8053.jpg
Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Thụy

Nhờ đó, đội ngũ người có uy tín đã chủ động nắm bắt tình hình đời sống, dư luận xã hội, kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; hưởng ứng, ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động người dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua tại cơ sở như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”…

Phát huy vai trò người có uy tín

Bên cạnh những mặt thuận lợi, việc xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín cũng gặp không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Trên cơ sở gợi ý thảo luận từ chủ trì hội thảo, các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi làm rõ vấn đề lý luận chung, đánh giá thực trạng đội ngũ người có uy tín trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, địa bàn Gia Lai nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, phát triển đội ngũ người có uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

z5912702715872-32781dcee8f8ea0a7821937d5a0529b0-9145.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Đức Thụy

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum Trịnh Ngọc Tâm cho rằng cần thường xuyên rà soát, đánh giá số lượng và chất lượng của đội ngũ người có uy tín; có kế hoạch cụ thể để củng cố, kiện toàn, bổ sung kịp thời những nơi còn thiếu, có hướng dẫn cụ thể để người dân bầu hoặc suy tôn dựa trên các điều kiện, tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc.

Bí thư Huyện ủy Đức Cơ Phạm Văn Cường nêu một số giải pháp như: Thường xuyên định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động cho đội ngũ người có uy tín; định kỳ tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng và cung cấp thông tin, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng để người có uy tín hiểu và chủ động, tự giác tuyên truyền, vận động người dân.

Trong khi đó, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trường Trung Tuyến thì cho rằng: Cơ quan công tác dân tộc cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để nắm bắt tình hình hoạt động của người có uy tín nhằm ghi nhận công lao đóng góp của người có uy tín được kịp thời làm cơ sở đánh giá hiệu quả của chính sách, phát huy trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Ban tổ chức hội thảo, tất cả các tham luận, ý kiến trao đổi tại diễn đàn sẽ được tổng hợp và chắt lọc để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan trung ương và chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên về các giải pháp đột phá nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi mong muốn hội thảo sẽ lan tỏa và thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn tại các địa phương cũng như sự kết nối giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III với các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Có thể bạn quan tâm