Chính trị

Tin tức

Những điểm cần chú ý trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 30-5-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 36-CT/TW về “Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”. Ngày 9-6-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký Quyết định số 244-QĐ/TW “Về ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng” để thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng kèm theo Quyết định số 220-QĐ/TW ngày 17-4-2009 của Bộ Chính trị (khóa X). Chỉ thị 36 và Quy chế bầu cử trong Đảng có một số điểm mới, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Quy chế quy định: “Danh sách ứng cử viên do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội”. Ở đại hội các nhiệm kỳ trước, danh sách này là danh sách để đại hội tham khảo và đoàn chủ tịch trình khi đại hội có yêu cầu (hoặc đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội để trình). Đại hội lần này, danh sách này là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị và bắt buộc phải trình đại hội.   

 

 

“Đại hội đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy cấp trên trực tiếp theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên”. Như vậy đòi hỏi cấp ủy cấp trên phải đồng thời chuẩn bị văn kiện đại hội cùng lúc với chuẩn bị tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy cấp mình để đại hội cấp dưới thảo luận và góp ý.

Đại hội giới thiệu bí thư cấp ủy: “Sau khi công bố kết quả bầu cử cấp ủy khóa mới, đoàn chủ tịch đại hội lấy ý kiến đại biểu đại hội giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy khóa mới trong số các đồng chí vừa trúng cử vào ban chấp hành đảng bộ” (thực hiện đối với cả những đảng bộ thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy). Ban kiểm phiếu của đại hội tiến hành việc kiểm phiếu, lập biên bản báo cáo với đoàn chủ tịch đại hội và cấp ủy khóa mới (nơi không thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy); báo cáo với đoàn chủ tịch đại hội và đại hội (đối với những đảng bộ thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy). Phiếu giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy khóa mới là phiếu 4 cột, 2 dòng (dòng thứ nhất ghi tên nhân sự bí thư cấp ủy khóa mới do cấp ủy khóa cũ chuẩn bị đã được cấp trên phê duyệt; dòng thứ hai là ý kiến khác để đại hội giới thiệu thêm-nếu có).

Ở đại hội đại biểu bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu và đoàn chủ tịch đại hội trình bày báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu. Ở Đại hội đảng viên không bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu và đoàn chủ tịch đại hội trình bày báo cáo tình hình đảng viên tham dự đại hội (sau phần trình bày báo cáo chính trị và kiểm điểm ban chấp hành).

Thực hiện bầu cử có số dư: Cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị nhân sự cấp ủy và ban thường vụ phải có số dư từ 10% đến 15% so với số lượng cần bầu; số dư tối đa trong danh sách bầu cử ở đại hội (hội nghị) không quá 30% số lượng cần bầu. Trường hợp cần bầu lấy 1 người thì danh sách bầu cử là 2 người; cần bầu lấy 2 người thì danh sách bầu cử là 3 người; cần bầu lấy 3 người trở lên thì danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% số lượng cần bầu. Khi cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) đề cử 1 người và tại đại hội (hội nghị) không có người ứng cử, được đề cử thêm thì đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội (hội nghị) biểu quyết thông qua danh sách bầu cử.

Quyền bầu cử và đề cử: Đảng viên miễn sinh hoạt, đảng viên dự bị và đảng viên sinh hoạt tạm thời đều có quyền đề cử; đảng viên dự bị, đảng viên sinh hoạt tạm thời không có quyền bầu cử.

Tính kết quả bầu cử: Đảng viên vắng mặt suốt thời gian diễn ra đại hội, đảng viên dự bị và đảng viên sinh hoạt tạm thời không tính vào kết quả bầu cử; nhưng đảng viên vắng mặt 1 buổi (lúc bầu cử) và đảng viên miễn sinh hoạt (nếu tham dự đại hội và tham gia bỏ phiếu) thì vẫn tính vào kết quả bầu cử.

 

Đại hội Đảng bộ Quân sự TP. Pleiku lần thứ XIII (2015-2020). Ảnh: A.H
Đại hội Đảng bộ Quân sự TP. Pleiku lần thứ XIII (2015-2020). Ảnh: A.H

Kết hợp việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã, cấp huyện đối với những nơi có đủ điều kiện. Thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan không là người địa phương. Khái niệm người địa phương là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại một địa phương. Những địa phương và ngành cần bố trí cấp ủy viên, nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì ban thường vụ cấp ủy cấp trên chỉ đạo điều động người đủ tiêu chuẩn từ nơi khác đến. Không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy.

Bí thư cấp ủy huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, đơn vị, nếu còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia cấp ủy khóa mới thì cần phân công công tác khác hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, đơn vị khác. Đối với cấp xã: nếu đủ uy tín, sức khỏe, năng lực thì ban thường vụ cấp ủy cấp huyện cân nhắc xem xét, quyết định cho tiếp tục tái cử và trao đổi với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để thống nhất.

Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% (đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện) và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy; tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 30 tuổi đối với cấp huyện) không dưới 10%; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Đối với cấp xã: nếu chưa chuẩn bị đủ nhân sự cơ cấu mới (thấp hơn 1/3) và được ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý thì đại hội bầu khuyết và tiến hành bổ sung sau đại hội, nhưng tại đại hội vẫn biểu quyết số lượng ban chấp hành như quy định và như đề án nhân sự đã được phê duyệt.


Cấp ủy các cấp đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên mỗi nhiệm kỳ (đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Lưu ý: số cấp ủy viên đã được điều động, luân chuyển và bổ sung trong nhiệm kỳ vừa qua được tính vào số đổi mới của khóa này) và cần bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; phấn đấu 3 độ tuổi trong ban thường vụ và thường trực các cấp ủy. Nếu số lượng cấp ủy viên khóa cũ đủ điều kiện tái cử quá 2/3 thì tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của ban chấp hành (chọn theo số phiếu từ cao xuống thấp để đủ 1/3).

Số nhân sự chủ chốt dự kiến luân chuyển thì nên dịch chuyển vị trí chức danh trước đại hội hoặc đại hội bầu khuyết để điều động, luân chuyển sau đại hội.

Về việc bố trí phó bí thư phụ trách xây dựng hệ thống chính trị cơ sở: Thực hiện theo Công văn số 8139/CV-BTCTU ngày 10-3-2015 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Cụ thể: Đối với xã, phường, thị trấn trước đây đã có phó bí thư phụ trách cơ sở, nhiệm kỳ này cần tiếp tục bố trí thì giao cho ban thường vụ huyện, thị, thành ủy xem xét quyết định (cần trao đổi với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để thống nhất và sau đại hội báo cáo về Ban Tổ chức Tỉnh ủy để theo dõi). Đối với huyện, thị, thành ủy: Trước đây đã có phó bí thư phụ trách cơ sở, nếu đủ điều kiện cơ cấu lại thì vẫn tiếp tục bố trí; trường hợp trước đây chưa có, nếu xét cần thiết thì sau đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ luân chuyển bổ sung.

Đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội thì thực hiện một trong 3 phương án: bố trí công việc khác thích hợp, nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ chờ hưu (theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9-3-2015 của Chính phủ).

Xác định thời điểm không triệu tập dự đại hội đối với cấp ủy viên nghỉ hưu, thực hiện theo Công văn số 8459-CV/BTCTW ngày 5-3-2015 của Ban Tổ chức Trung ương. Cụ thể là: Cấp ủy viên đã có thông báo hoặc quyết định nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra ngoài đảng bộ trước thời điểm khai mạc đại hội thì không triệu tập. Thời điểm để xác định nghỉ hưu là: Ngày 1 tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu; nếu không rõ ngày tháng sinh thì tính từ ngày 1-1 năm liền kề sau năm đủ tuổi nghỉ hưu...

Lâm Quang Dũng

Có thể bạn quan tâm