Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng

Những điểm khác nhau giữa ba cách thức tiến hành đại hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, ngoài cách thức tiến hành (hình thức) đại hội như quy định của Điều lệ Đảng (viết tắt: loại 1), Ban Chấp hành Trung ương Đảng còn chủ trương thực hiện thí điểm 2 cách thức tiến hành đại hội khác nữa, đó là: đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư (viết tắt: loại 2) và đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy (viết tắt: loại 3).

Vừa qua, ngoài cách thức tiến hành đại hội như quy định của Điều lệ Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn ở cấp cơ sở 55 tổ chức cơ sở đảng tiến hành đại hội điểm, 22 Đảng bộ cơ sở tiến hành Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư và ở cấp huyện chọn Đảng bộ TP. Pleiku tiến hành đại hội điểm, chọn 2 Đảng bộ huyện Chư Prông và Đak Pơ tiến hành thí điểm chủ trương đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy.
 

Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Thống Nhất (TP. Pleiku). Ảnh: Thanh Nhật

Nghiên cứu, so sánh sự khác biệt giữa 3 cách thức tiến hành đại hội sẽ giúp chúng ta tránh được những sai sót trong xây dựng kịch bản, quy trình đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là thí điểm chủ trương Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư và đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy. Sau đây là những điểm khác nhau giữa 3 cách thức tiến hành Đại hội như đã nêu trên.

Về văn bản áp dụng:

Điểm giống nhau: Cả 3 loại trên đều thực hiện các văn bản của Trung ương như: Điều lệ Đảng (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 19-1-2011); Quy định số 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc hướng dẫn thi hành điều lệ Đảng; Chỉ thị 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18-8-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự tại đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI); Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 6-10-2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng.

Điểm khác nhau: Loại 2 còn thực hiện theo Hướng dẫn số 24 ngày 6-3-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm chủ trương đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư; loại 3 còn thực hiện theo Hướng dẫn số 34 ngày 8-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về một số điểm về thực hiện thí điểm chủ trương Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy; Công văn số 7967 ngày 8-6-2010 của Ban Tổ chức Trung ương về việc bổ sung Hướng dẫn số 34-HD/BTCTW.

Về phạm vi và đối tượng áp dụng: Loại 1 áp dụng đối với tất cả các tổ chức cơ sở Đảng trong phạm vi toàn quốc, kể cả các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Loại 2 chỉ áp dụng đối với Đảng bộ cơ sở, tỷ lệ áp dụng 5%-7% tổng số Đảng bộ cơ sở toàn tỉnh; loại 3 chỉ áp dụng đối với Đảng bộ cấp trên cơ sở, tỷ lệ áp dụng 15%-20% tổng số Đảng bộ cấp trên cơ sở toàn tỉnh.

Về quy trình bầu cử: Loại 1: Đại hội bầu Ban Chấp hành; Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Loại 2: Đại hội bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư; Ban Chấp hành bầu Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Loại 3: Đại hội bầu Ban Chấp hành, Bí thư; Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.

Về triệu tập viên, chủ trì phiên họp thứ nhất của cấp ủy khóa mới: Loại 1: Đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy khóa trước tái cử hoặc đồng chí được cấp ủy cấp trên trực tiếp ủy nhiệm (nếu Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy khóa trước không tái cử) làm triệu tập viên, khai mạc, chủ trì cho đến khi bầu xong chủ tọa và thư ký hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành khóa mới. Loại 2: Đồng chí Bí thư Đảng ủy được đại hội bầu là người triệu tập và chủ trì phiên họp thứ nhất của cấp ủy khóa mới. Loại 3: Đồng chí Bí thư Đảng ủy được đại hội bầu là người triệu tập và chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành khóa mới để bầu Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Đồng chí Bí thư được đại hội bầu đương nhiên là Ủy viên Ban Thường vụ. Do đó, tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành chỉ bầu các ủy viên Ban Thường vụ còn lại theo số lượng mà Ban Chấp hành quyết định.

Về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư được đại hội bầu trực tiếp: Vẫn gọi là Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư vẫn thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và quy chế làm việc của cấp ủy.

Về kết quả bầu cử: Loại 3: đồng chí Bí thư cấp ủy được đại hội bầu trước khi Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ. Do đó, đồng chí Bí thư đương nhiên là Ủy viên Ban Thường vụ mà không phải bầu nữa.

Những điểm khác biệt trên cần được các cấp ủy lưu ý nắm vững để quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp đảm bảo quy trình và đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, nhất là trong chỉ đạo đại hội các đơn vị được chọn thực hiện thí điểm trong thời gian tới.

Lâm Quang Dũng (Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy)

Có thể bạn quan tâm